Vào đầu thời đại đồ đồng, một miếng bánh mì được chôn dưới bậc cửa một ngôi nhà mới xây. Hơn 5.000 năm sau, các nhà khảo cổ học khai quật được chiếc bánh mì và giúp một tiệm bánh địa phương phục chế lại công thức.

download-8-1748339374-1230-1748339812.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=95ji_M1-kd_T-vy0N5qdew

Bánh mì 5.000 năm tuổi khai quật ở Kulluoba trưng bày trong bảo tàng khảo cổ học Eskisehi ngày 23/5. Ảnh: AFP

Bánh hình tròn dẹt như bánh kếp, đường kính 12 cm, được phát hiện trong quá trình khai quật ở Kulluoba, địa điểm gần thành phố Eskisehir, tỉnh miền trung Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2024.

"Đây là chiếc bánh mì nướng xa xưa nhất từng được khai quật mà vẫn giữ nguyên hình dạng", Murat Turkteki, nhà khảo cổ học kiêm giám đốc chương trình khai quật, nói hôm 23/5. "Người ta hiếm khi khai quật được cả một chiếc bánh mà thường chỉ tìm thấy vụn. Chiếc bánh này được bảo tồn khá nguyên vẹn vì đã cháy đen và bị chôn vùi dưới mặt đất", ông nói.

Chiếc bánh cháy nằm dưới bậc cửa một ngôi nhà xây vào năm 3.300 trước Công nguyên. Một mẩu bị xé ra trước khi chiếc bánh bị đốt, sau đó được chôn vào lúc xây nhà. "Phát hiện này khiến chúng tôi liên tưởng đến một nghi thức cầu nguyện sự sung túc", Turkteki nói.

download-7-1748339387-1813-1748339812.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=O2t7zw3Heecw3d23V0rUXg

Nhân viên tiệm bánh Halk Ekmek trộn, cắt bột để tạo hình bánh mì Kulluoba ngày 23/5. Ảnh: AFP

Chiếc bánh được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Eskisehir kể từ 21/5. "Chúng tôi rất xúc động trước phát hiện này. Khi trò chuyện với giám đốc nhóm khai quật, tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thể sản xuất lại loại bánh mì này không", Thị trưởng Ayse Unluce nói.

Phân tích cho thấy bánh mì làm từ bột lúa mì Triticum dicoccum, giống lúa mì cổ xưa, đậu lăng cùng lá của một loài cây chưa rõ được dùng làm men. Giống lúa này đã tuyệt chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Để tạo ra công thức giống nhất với công thức gốc, chính quyền thành phố quyết định sử dụng Kavilca, giống lúa mì gần giống Triticum dicoccum, cùng bulgur (ngũ cốc làm từ lúa mì cứng, được hấp, sấy và nghiền hoặc đập vỡ) cùng đậu lăng.

Trong tiệm bánh Halk Ekmek, nhân viên mỗi ngày làm 300 ổ bánh mì Kulluoba. "Sự kết hợp giữa bột mì cổ xưa, đậu lăng và bulgur tạo ra một loại bánh mì giàu dinh dưỡng, no lâu, ít gluten và không chứa chất bảo quản", Serap Guler, quản lý tiệm bánh cho hay.

Những ổ bánh Kulluoba đầu tiên bán ra thị trường nặng 300 g, giá 50 lira (1,28 USD), đã hết sạch trong vài tiếng.

"Tôi phải chạy đi mua ngay vì sợ không còn bánh. Tôi rất tò mò muốn biết hương vị của loại bánh mì cổ này", Suzan Kuru, một khách hàng, cho hay.

Nền văn minh Kulluoba vẫn là bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học vì không tìm được văn bản nào ghi lại. Thời đồ đồng, người Hattia, một dân tộc ở Anatolia, đã sống ở vùng Eskisehir.

"Kulluoba là quần thể đô thị quy mô trung bình, có các hoạt động thương mại, thủ công, nông nghiệp và khai thác mỏ. Cuộc sống ở đây rõ ràng có trật tự gia đình và xã hội nhất định", nhà khảo cổ học Deniz Sari nói.

download-9-1748339405-7773-1748339812.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c7m68L8S1gh1Tc49Phs_tQ

Bánh mì làm theo công thức cổ xưa bán trong tiệm Halk Ekmek ngày 23/5. Ảnh: AFP

Chiếc bánh mì được khai quật khiến người ta bắt đầu quan tâm hơn đến trồng trọt giống lúa cổ đại thích nghi với hạn hán tốt hơn. Tỉnh Eskisehir từng là nơi dồi dào nguồn nước nhưng bây giờ đang hạn hán nặng.

"Chúng ta đang đối mặt khủng hoảng khí hậu nhưng vẫn trồng ngô, hoa hướng dương, những loài cây cần tưới nhiều nước", Thị trưởng Unluce nói. "Tổ tiên đang dạy chúng ta một bài học. Chúng ta nên chuyển sang trồng những loại cây cần ít nước hơn, giống như tổ tiên từng trồng".

Bà muốn khôi phục lại trồng lúa mì Kavilca trong vùng. Đây là giống lúa chịu hạn và sâu bệnh.

"Chúng ta cần áp dụng chính sách mạnh tay. Trồng lúa mì cổ sẽ là bước khởi đầu mang tính biểu tượng theo hướng này", bà nói. "Vùng đất này đã bảo tồn chiếc bánh mì trong 5.000 năm và trao cho chúng ta món quà. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ, truyền thừa di sản".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022