Đám cháy rừng Park Fire bùng lên lúc 14h52 ngày 24/7 tại công viên Upper, phía đông thành phố Chico. Lửa cháy dữ dội và lan nhanh, mỗi giờ lại thiêu rụi diện tích hơn 210 ha. Gió mạnh và địa hình khô hạn biến Park Fire thành một trong những đám cháy lan nhanh nhất lịch sử bang California. Vài tuần sau, đám cháy vẫn chưa kết thúc.

Đang ở trong văn phòng tại thành phố Chico vào một buổi chiều cuối tháng 7, Mike Waltz nhận định đã đến lúc phải hành động, khi đám cháy Park Fire tiến sát nơi anh ở. Anh gọi cho vợ, Amy cùng hai con trai Gage và Bennet, báo tin cháy rừng sắp lan tới nhà.

imrs-php-1323-1723797362.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nidVbrfVphwS2kJu81DxBQ

Gage, Bennet và Mike Waltz đứng trên đường cái, phía sau là tro bụi từ đám cháy đang lan tới gần nhà họ hồi cuối tháng 7. Ảnh: Mike Waltz

Vào 16h, gia đình Waltz về tới ngôi nhà nằm ở vùng chân đồi nhiều cây cối phía đông bắc Chico để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chính quyền lúc đó đã ban bố lệnh sơ tán bắt buộc.

Trong lúc Amy và hai con trai 19, 22 tuổi đưa thú cưng và chất đầy nhu yếu phẩm lên hai ôtô, Mike triển khai phương án ứng phó đã lên kế hoạch từ trước: hệ thống phòng cháy toàn diện mà anh đã kỳ công lắp đặt để bảo vệ ngôi nhà khỏi cháy rừng.

Từng là lính cứu hỏa California, Mike học được cách dự đoán đường đi của đám cháy dựa theo hướng gió. Anh thiết kế hệ thống gồm 32 vòi phun, xung quanh ngôi nhà cũng như trên mái để đảm bảo có thể phun nước đồng thời bao trùm căn nhà.

Anh cũng bố trí hai vòi chữa cháy chuyên nghiệp dài hơn 91 m kèm đầu phun, cùng máy bơm chuyên dụng nối với bể bơi chứa gần 45,5 m3 nước và giếng, nhằm tạo ra một "khiên nước" khổng lồ bảo vệ ngôi nhà khỏi hơi nóng và ngọn lửa.

Mùa xuân hàng năm, Mike cùng các con sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống, cũng như đốn cây, cắt tỉa bụi rậm và diễn tập chữa cháy xung quanh nhà. Theo tính toán của Mike, nếu mọi thứ trong khu đất đủ ẩm nhờ "khiên nước", những tàn lửa rơi xuống như mưa từ đám cháy xung quanh sẽ không khiến ngôi nhà bắt cháy.

Hoàng hôn buông xuống, Mike phải đưa ra quyết định sơ tán cùng gia đình hoặc ở lại chiến đấu, mạo hiểm mạng sống để bảo vệ ngôi nhà họ đã sinh sống 20 năm qua.

Sau màn chia tay trong nước mắt, Amy và Bennet lên xe, chở thú cưng và đồ đạc di tản. Mike và con trai lớn Gage ở lại đối mặt với đám cháy đang áp sát. Suốt vài giờ tiếp theo, hai người mặc sẵn đồ bảo hộ, đội mũ chống cháy, trong lúc khói bốc lên nghẹt thở và bầu trời chuyển sang màu đỏ rực.

Khoảng 22h, lính cứu hỏa đến, cảnh báo lửa đang tới gần, nhưng Mike và Gage vẫn quyết tâm bám trụ.

Lực lượng cứu hỏa California cho hay không có gì lạ khi người dân từ chối sơ tán. "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều", Edwin Zuniga, lính cứu hỏa kiêm người phát ngôn của sở cứu hỏa California, nói.

"Việc người dân ở lại sẽ gây cản trở công tác chữa cháy", Zuniga giải thích. "Chúng tôi phải tập trung đưa họ đi sơ tán thay vì tập trung dập tắt đám cháy".

nguoi-dan-ong-my-tao-rao-chan-nuoc-cuu-nha-khoi-chay-rung-1723797050.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4jLu7ZSK9WMc580tCX2duA
Người đàn ông Mỹ tạo rào chắn nước cứu nhà khỏi cháy rừng

Hệ thống vòi phun, cách bố con nhà Waltz phun nước lên ngôi nhà và quang cảnh xung quanh sau đám cháy. Video: Gage Waltz

Vài phút sau khi lực lượng cứu hỏa rời đi, đám cháy lan đến nhà Mike. Khi lửa lan tới hàng rào phía đông, hệ thống khiên nước phát huy hiệu quả. Lửa tiếp tục di chuyển nhanh, dọc theo hàng rào phía bắc và phía nam ngôi nhà.

Ngọn đồi phía nam nguy hiểm nhất, bởi nơi đó có những cây thông lớn dễ bắt lửa và cháy đượm. Lửa bốc cao 45-60 m lên không trung, tàn lửa bắn ra tứ phía. Nhưng Mike và con trai không dập lửa ở đồi thông mà quay về nhà, tiếp tục phun nước lên tường, mái để ngăn nguy cơ phát hỏa.

Trong một giờ tiếp theo, họ kéo vòi phun tưới đẫm nước ngôi nhà, dập những chỗ bắt lửa và xịt nước vào tàn lửa sót lại. Hai người thậm chí còn muốn cứu cả nhà hàng xóm.

Trên đường sơ tán, thấy lửa cháy rừng rực phía sau, Amy tưởng chồng và con trai lớn đã chết. Vài tiếng sau, cô nhận được tin nhắn: "Hai bố con anh vẫn ổn. Đã cứu được nhà. Không thể nói chuyện".

"Khi đám cháy đi qua, đội cứu hỏa quay lại và chúng tôi rất phấn khích, không thể tin rằng mình đã vượt qua", Mike nói.

Họ dành cả đêm dập các đám cháy nhỏ, theo dõi khu đất xung quanh. Sáng hôm sau, mặt trời lên, lộ ra quang cảnh khó tin.

"Vùng đất xung quanh như trên mặt trăng cằn cỗi, thảm thực vật tươi tốt, cây cối và mọi thứ trước đây đã biến mất", anh kể lại.

Ảnh vệ tinh khu vực này trước và sau đám cháy cho thấy nỗ lực của Mike đã được đền đáp. Ngôi nhà và hồ bơi của gia đình vẫn nguyên vẹn, tương phản với cảnh tượng hoang tàn, xám xịt xung quanh.

imrs-php-1-1803-1723797362.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=peS3ivFI-T4-Oxro_WDEwg

Khu nhà của Waltz ngày 21/7 (trái) và sau đám cháy Park Fire, ngày 27/7 (phải). Ảnh: Maxar

Cứ 6 người Mỹ thì ít nhất một người đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, bởi người dân vẫn có xu hướng chuyển tới sinh sống ở các điểm thường xảy ra cháy rừng và biến đổi khí hậu thúc đẩy các đám cháy lớn hơn, thường xuyên hơn.

Sau khi Mike chia sẻ câu chuyện vượt qua đám cháy trên mạng, nhiều người gọi Mike là người hùng vì đã bảo vệ được nhà cửa, nhưng cũng có người chỉ trích anh "ngu ngốc" vì đặt gia đình vào tình thế nguy hiểm.

Mike cho rằng không có ý kiến nào đúng hoàn toàn, lưu ý mọi người không nên làm theo "nếu không có kiến thức về chữa cháy hoặc bất kỳ kinh nghiệm nào về hỏa hoạn cũng như không đủ dụng cụ để đối phó".

Dù có nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị và diễn tập thường xuyên, tiêu hàng nghìn USD vào thiết bị chữa cháy chuyên dụng, Mike vẫn tự nhận gia đình anh đã rất may mắn khi vượt qua đêm đó.

"Tôi không thể ngừng xuýt xoa rằng mình thật may mắn", anh nói. "Tôi biết mình đã chuẩn bị tốt, nhưng vẫn cảm thấy thực sự biết ơn vì đã lên kế hoạch đúng đắn và hiệu quả".

Hồng Hạnh (Theo Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022