Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp gây sưng và cứng khớp . Bệnh khiến người bệnh cực kỳ đau đớn, nhiều trường hợp gout cấp do ăn một số loại thực phẩm khiến bệnh nặng hơn. Bệnh gout bùng phát có thể do thịt đỏ và các thực phẩm khác gây ra.

Tuy nhiên, cũng có những thực phẩm giúp ngăn ngừa tình trạng này. Dưới đây là những điều cần biết về chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh gout:

1. Thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?

thuc-pham-tang-nguy-co-benh-gut-17219649550351811104429-1723865303621-17238653040711582875067.jpg

Nồng độ acid uric trong máu cao có thể làm tăng khả năng gây bùng phát bệnh gout.

Bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat hoặc tinh thể acid uric . Lắng đọng ở các khớp làm cho khớp bị viêm gây đau, lâu dần biến dạng cứng khớp, nếu lắng đọng ở thận gây bệnh thận.

Điều trị bằng chế độ ăn cho người bệnh gout thích hợp vừa giảm tổng hợp acid uric vừa tăng đào thải acid uric qua thận. Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị cơn gout cấp tính, mạn tính và có tác dụng làm giảm các cơn cấp của gout mạn tính.

Các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến nồng độ acid uric trong máu. Mức độ cao có thể làm tăng khả năng hình thành các tinh thể này, gây bùng phát. Nồng độ acid uric thấp có thể giúp ngăn ngừa cơn gout tấn công.

Thực phẩm giàu purin có xu hướng làm tăng nồng độ acid uric. Purin là các phân tử tạo nên DNA và phục vụ các chức năng khác. Cơ thể cần một lượng purin nhất định trong chế độ ăn uống của mình, nhưng không quá nhiều.

Nồng độ purin cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, tăng huyết áp , bệnh tim mạch, bệnh thận và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, có một số thực phẩm giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

2. Các thực phẩm cần tránh để không ảnh hưởng đến bệnh gout

Nếu có nguy cơ dễ mắc bệnh gout và đang bị bệnh gout cần hạn chế ăn bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có nguy cơ làm tăng mức acid uric trong máu, bao gồm cả các loại thực phẩm có hàm lượng purine cao. Ngoài ra, cũng cần cắt giảm hoặc loại bỏ các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều đường fructose .

Thịt đỏ

Thịt đỏ là ví dụ điển hình về thực phẩm chứa hàm lượng purine cao. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt cừu và thịt lợn. Cơ thể phân hủy purine thành acid uric. Kết quả là nồng độ trong máu tăng lên, làm tăng khả năng các tinh thể tích tụ trong khớp, gây bùng phát bệnh.

Thịt đỏ có lượng hai loại purin cụ thể gọi là hypoxanthine và adenine cao hơn các loại thực phẩm khác. Hai loại purin này đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

Hải sản

Nhiều loại hải sản có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu bị bệnh gout hoặc có nguy cơ phát triển bệnh, nên hạn chế cá cơm, cá mòi, sò, trai, cá hồi, cá ngừ… Những loại hải sản này rất giàu purin, có thể khiến nồng độ acid uric tăng cao. Acid uric bổ sung này có thể dễ dàng gây ra sự tích tụ và kích thích thêm các triệu chứng bệnh gout.

Khi bệnh gout ổn định, vẫn nên hạn chế ăn hải sản ở mức tối thiểu.

Người bệnh gout nên tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, tái khám kiểm tra định kì. Thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống. Hạn chế tối đa rượu bia, uống đủ nước mỗi ngày. Ăn thịt không quá 150 g mỗi ngày; ưu tiên các loại protein lấy từ thực vật, có thể sử dụng thêm sữa ít béo hoặc không béo; chế độ vận động thích hợp...
BS CKI Phạm Duy Linh, Khoa Nội, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai

Nội tạng động vật

Các sản phẩm làm từ động vật nói chung có xu hướng chứa nhiều purin nhưng một số loại nội tạng có hàm lượng đặc biệt cao. Giống như thịt đỏ, purin adenine và hypoxanthine cũng có nhiều trong nhóm thực phẩm này.

Các loại nội tạng như gan, thận nên được tiêu thụ với số lượng hạn chế. Những thực phẩm này làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Hạn chế ăn những loại thịt này làm giảm khả năng bùng phát bệnh gout.

Bia, rượu

Bia, rượu nói chung khiến có nguy cơ bị bệnh gout tấn công cao hơn. Trong thời gian bùng phát bệnh gout nên kiêng tuyệt đối bia, rượu.

Đồ uống có đường

Bệnh gout xảy ra do nồng độ urat trong máu cao, còn được gọi là tăng acid uric máu. Ăn thực phẩm và đồ uống có chứa fructose, một loại đường dễ làm tăng mức urate. Điều này là do khi cơ thể phân hủy fructose, nó sẽ giải phóng purin. Fructose xuất hiện tự nhiên trong trái cây và mật ong.

Siro ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS) là chất làm ngọt nhân tạo có chứa 42–55% fructose và thường có trong nước ngọt.

Viện Quốc gia về Viêm khớp và các bệnh về Cơ xương và Da liệt kê đồ uống có chứa HFCS là yếu tố nguy cơ mắc bệnh gout. Tránh đồ uống có HFCS có thể giúp giảm các đợt bùng phát bệnh gout.

3. Thực phẩm giúp làm giảm nguy cơ và bùng phát bệnh gout

rau-xanh-17219665218401435246671-1723865304621-17238653047472055549667.jpg

Chế độ ăn nhiều rau giúp giảm nguy cơ bệnh gout.

Bệnh gout bùng phát do nồng độ acid uric trong cơ thể cao. Tránh xa các loại thực phẩm có hàm lượng purine cao vì chúng có thể khiến nồng độ acid uric tăng hơn.

Lưu ý, không phải tất cả các nguồn purine đều như nhau. Nguồn purine từ động vật có xu hướng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout nhưng các loại rau có hàm lượng purine cao dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chế độ ăn ít purine là lựa chọn tốt nhất nếu đang cố gắng ngăn ngừa bệnh gout bùng phát. Chế độ ăn DASH và chế độ ăn Địa Trung Hải đều được khuyến khích để giúp ngăn ngừa bệnh gout. Cả hai đều có chế độ ăn giàu rau và có một lượng thịt hạn chế.

Các loại thực phẩm được chứng minh là giúp giảm nồng độ acid uric:

  • Caffeine, đặc biệt là trà.
  • Vitamin C liều cao.
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Thực phẩm đậu nành.
  • Các loại dầu thực vật như ô liu, hướng dương.

4. Những cách khác để làm giảm nguy cơ bệnh gout

Lý do thực phẩm chỉ có tác dụng ở một mức độ nhất định trong việc giảm bệnh gout là do cơ thể tạo ra khoảng 70% acid uric trong máu. Vì vậy, chế độ ăn ít purine chỉ có thể giúp giải quyết 30% còn lại.

Người thừa cân nên giảm cân, tuy nhiên không nên nhịn ăn vì nó có thể gây ra cơn gout tấn công. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về những thay đổi trong chế độ ăn uống nếu bị bệnh gout và đang cố gắng giảm cân.

Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, hãy đảm bảo dùng chúng theo chỉ dẫn. Cũng lưu ý, một số loại thuốc như Aspirin và thuốc lợi tiểu (còn gọi là thuốc nước) có thể gây ra cơn đau do bệnh gout. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thuốc bổ sung.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022