Bộ trưởng Quốc phòng mỹ Pete Hegseth gần đây đăng ảnh mặc quân phục lên mạng xã hội, lộ các hình xăm trên cánh tay phải. Phía sau bắp tay, ông Hegseth xăm dòng "kafir", thuật ngữ tiếng Arab trong Hồi giáo chỉ người ngoại đạo.
Hình ảnh này nhận nhiều phản ứng trái chiều. Một số người chỉ trích ông vì xăm dòng chữ có thể bị coi là xúc phạm đến người Hồi giáo, trong bối cảnh quân đội Mỹ hướng đến sự đa dạng tôn giáo. Có khoảng 5.000-6.000 quân nhân Mỹ theo đạo Hồi.
"Đây không đơn thuần là lựa chọn cá nhân, đây là biểu tượng của chứng bài Hồi giáo từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ", Nerdeen Kiswani, nhà hoạt động ủng hộ Palestine ở New York, viết.

Hình xăm "kafir" trên cánh tay phải của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: X/Secretary of Defense Pete Hegseth
"Những kẻ cực hữu bài Hồi giáo đã vũ khí hóa thuật ngữ 'kafir' để chế giễu và bôi nhọ tôn giáo này. Vấn đề không nằm ở niềm tin cá nhân của ông Hegseth, mà ở chỗ niềm tin này ảnh hưởng thế nào đến các chính sách quân sự đối với các nước Hồi giáo", bà nói thêm.
"Xăm dòng 'kafir' lên cơ thể là hành động thể hiện sự thù địch với người Hồi giáo và cả vấn đề tâm lý cá nhân", Nihad Awad, lãnh đạo Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), nói với Newsweek.

Các hình xăm liên quan đến Thập tự chinh gây tranh cãi của ông Hegseth. Ảnh: Daily Beast
Đây không phải lần đầu tiên hình xăm của ông Hegseth gây tranh cãi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đây khoe các hình xăm liên quan đến "Thập tự chinh", vốn đang bị lạm dụng trong các phong trào cực hữu hiện đại.
Các hình xăm này gồm dòng "Deus Vult" (Ý Chúa), vốn là tiếng hô xung trận của các chiến binh Thập tự chinh, ngay trên hình xăm "kafir" trên cánh tay phải. Ông Hegseth còn xăm thánh giá Jerusalem lên ngực, còn gọi là thập giá Thập tự, biểu tượng của các cuộc Thập tự chinh của Cơ đốc giáo.
Những bình luận chỉ trích loạt hình xăm xuất hiện khi ông Hegseth đang chịu giám sát chặt chẽ hơn. Một số nghị sĩ đang kêu gọi điều tra ông và các quan chức khác liên quan vụ lộ nhóm chat kế hoạch tác chiến ở Yemen của Mỹ. Một số đã kêu gọi ông Hegseth từ chức.
Đức Trung (Theo Guardian, Newsweek, AP)