Tốt nghiệp khoa Sư phạm Toán, trường Đại học Cần Thơ năm 1984, ban đầu thầy Lai giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm - Đào tạo bồi dưỡng tại chức An Giang (nay là trường Đại học An Giang). Đến năm 1990, thầy về công tác tại trường THPT Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang với vị trí giáo viên môn Toán, sau đó là tổ trưởng môn Toán cho đến nay.

Thầy Lai kể từ thời thanh niên thầy mê nghề cơ khí, hay tò mò lắp ráp máy móc, đường dây điện trong nhà. Năm lớp 12 là học sinh giỏi môn Toán, đại diện tỉnh đi thi học sinh giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm TP HCM nhưng thầy Lai không nhập học, quyết tự thi vào trường Đại học Cần Thơ để được học ngành Cơ khí. Nhưng duyên số đưa đẩy, đến năm thứ hai đại học, thầy lại được phân vào ngành Sư phạm Toán.

"Thời đó, thí sinh đỗ đại học cứ vào học trước, đến năm thứ hai trường mới phân ngành. Vì một số lý do, tôi không được phân vào ngành Cơ khí mà lại chuyển sang Sư phạm. Coi như số phận sắp đặt, tôi chấp nhận học sư phạm", người thầy 61 tuổi kể.

336432822-6064125616996782-215-1869-5740-1679736048.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3CH9FQx-ujd2J_5qoXxljg

Thầy Đỗ Trung Lai trong buổi sinh hoạt ngoại khoá của trường THPT Tân Châu hồi tháng 1. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Từ tâm thế chấp nhận, qua quá trình đi dạy, thầy dần dần yêu nghề lúc nào không hay. Với tính thích mày mò, tìm tòi cái mới, thầy học hỏi nhiều nơi để áp dụng phương pháp hay, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Gặp vấn đề không biết, thầy gọi nhờ học trò hướng dẫn.

Chia sẻ về động lực gắn bó với nghề suốt 38 năm qua, thầy Lai chia sẻ những tình cảm, sự trưởng thành của học trò giúp thầy giữ lửa với nghề. Có những đồng nghiệp trẻ ở trường từng là học trò của thầy, khi về công tác chung trường đã tâm sự vui rằng "nghiệp nghề giáo của thầy đã truyền sang cho em".

"Đó là một học sinh lớp 12 mà tôi chủ nhiệm. Tôi còn nhớ em hỏi tôi trước đây thầy học ở đâu, tôi nói thầy học ở trường Đại học Cần Thơ, không ngờ sau đó em quyết thi vào trường này, chọn ngành Sư phạm Toán và bây giờ trở thành đồng nghiệp của tôi", thầy Lai cho hay.

38 năm trong nghề, đến nay đã gần về hưu, điều khiến thầy tự hào không phải bằng khen, thành tích mà là những tình cảm chân tình, quý mến học trò. Nhiều thế hệ học trò đi mọi miền đất nước, làm những công việc khác nhau, nhưng vẫn thường xuyên nhắn tin thăm hỏi. Có những lần ra Hà Nội, thầy không quen đường sá, học trò bỏ công việc đưa đón thầy đi công việc. Thầy nói đó là những điều tiền bạc, danh hiệu không mang lại được, giúp thầy trụ lại với nghề.

Từ lúc chuyển công tác về trường THPT Tân Châu, mỗi ngày thầy Lai phải chạy xe 20 km tới trường. Khi đó, hai vợ chồng đều là giáo viên, đồng lương eo hẹp, kinh tế khó khăn nhưng suốt cuộc đời đi dạy học thầy chưa bao giờ dạy thêm ở nhà. Chỉ khi nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc phụ đạo học sinh yếu, thầy mới tham gia.

Thời điểm đó ở An Giang rộ lên phong trào nuôi cá tra, basa, nhiều giáo viên khó khăn đành nghỉ dạy đi làm kinh tế, có lúc thầy Lai cũng chênh vênh định bỏ nghề nhưng được cha động viên.

"Cha rất muốn tôi theo nghề giáo. Ông nói nếu lương thấp thì trồng thêm lúa, nuôi cá nhưng cố gắng giữ nghề dạy học để giúp người, coi như tích đức cho con cái mình mai sau", thầy chia sẻ.

9988458b1bdbc7859eca-jpeg-4027-1679989754.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XcqEc51xBRJPjWCsz2zNVw

Từ vài công ruộng cha mẹ cho, vợ chồng thầy vừa làm ruộng vừa vay mượn vốn nuôi cá từ năm 1992. Thầy cho biết thời điểm đó nuôi cá mang lại lợi nhuận lợi, mở rộng dần dần đến lúc đỉnh điểm thầy xuất gần 100 tấn cá mỗi vụ. Tiền có được từ nuôi cá, thầy thuê thêm ruộng để làm, lúc nhiều nhất lên đến 5.000 m2 ruộng. Với khả năng sản xuất giỏi, thầy được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất nông nghiệp vào năm 1997.

Thầy chia sẻ lợi nhuận hàng tháng từ nuôi cá, trồng lúa lúc đó gấp khoảng 20 lần lương dạy học. Nhiều người từng hỏi thầy làm kinh tế hiệu quả sao không nghỉ dạy để mở rộng nhưng vợ chồng thầy vẫn bám nghề, buổi nào không đi dạy thì ra đồng, thăm lồng bè cá. Thầy cho biết công việc làm ruộng, nuôi cá có người em cùng trông coi.

"Vốn gốc nông dân nên tôi quen với việc lao động, hơn nữa việc nuôi cá, làm ruộng dần dần có máy móc làm thay. Tôi mê cơ khí nên tự làm hệ thống cho cá ăn, dàn quạt nước tạo oxy, đèn điện để lúc đi dạy vẫn quản lý từ xa mà không cần thuê nhân công. Công việc đồng áng chỉ cực khi vào vụ gặt, gieo sạ nhưng hiện nay cũng có máy làm thay", thầy Lai chia sẻ.

Đến năm 2017, lồng bè nuôi cá ở An Giang xảy ra dịch bệnh hàng loạt, thầy Lai bị thiệt hại nặng rồi dừng việc nuôi cá từ đó, chuyển sang làm ruộng nhiều hơn. Hiện, vợ chồng thầy hiện làm 3 hecta ruộng.

336630692-1195537181098532-523-9774-9855-1679736048.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=48fQihEWxkKz2Bcb8vRWAQ

Học trò về thăm thầy Lai (thứ hai từ trái sang) trong dịp khai giảng năm học mới, tháng 9/2022. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thầy Nguyễn Thành An, Hiệu trưởng trường THPT Tân Châu, cho biết thầy Đỗ Trung Lai là tấm gương mà các thầy cô ở trường rất kính trọng. Trong gần 40 năm công tác, thầy Lai đạt nhiều thành tích trong nghề. Nhiều năm thầy là chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhận bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2011-2012, thầy đạt danh hiệu nhà giáo ưu tú và năm học 2012-2013, thầy được trao Huân chương Lao động hạng 3.

Hiệu trưởng trường THPT Tân Châu cho hay thầy Lai tận tụy trong công việc, không chỉ việc giảng dạy ở trường mà còn công tác chuyên môn ở sở giáo dục. Dù lớn tuổi nhưng thầy luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Thầy tạo nhóm để giáo viên môn Toán ở Tân Châu trao đổi, biên soạn tài liệu giảng dạy, nhiệt tình hướng dẫn giáo viên trong tổ sử dụng các phần mềm giảng dạy toán như GSP, Geogebra, Cabri.

"Từ chuyên môn, tính cách, cách đối nhân xử thế chúng tôi đều học tập thầy nhiều. Tôi nể phục tinh thần tự học, tự mày mò của thầy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo trong dạy học. Thầy cũng dìu dắt, giúp đỡ đồng nghiệp trẻ để các bạn vững vàng chuyên môn", hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Tháng 6 năm nay, thầy Lai đến tuổi nghỉ hưu. Có thêm thời gian, thầy dự định cùng một số thầy cô làm trang web dạy Toán online miễn phí, đăng tải những video bài giảng, bài tập để bổ trợ cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng cho học sinh giỏi.

"Tôi lao động suốt ngày nên quen rồi, nghỉ hưu sẽ có thêm thời gian thăm con, cháu và vẫn làm ruộng. Không còn dạy ở trường thì tôi dạy miễn phí cho học trò qua online cho đỡ nhớ nghề", thầy tâm sự.

Nhật Lệ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022