Thầy Lưu Văn Thuần, phụ trách khoa Kỹ thuật Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết ngày 27/3, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã làm việc với Học viện, kết hợp phỏng vấn hai ứng viên của học viện.

Một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng xác nhận ba sinh viên được Boeing phỏng vấn trong số hơn 20 em của trường nộp hồ sơ. Trong số này, một em ngành Kỹ thuật hàng không, một em ngành Điện-Điện tử và một thuộc ngành Cơ khí hàng không.

Theo các giảng viên, đây là lần đầu tiên đại diện Boeing trực tiếp từ Mỹ sang để tuyển thực tập sinh. Ngoài Học viện Hàng không và Đại học Bách khoa Hà Nội, Boeing còn phỏng vấn ứng viên ở nhiều trường khác.

Người trúng tuyển sẽ có hai tháng làm việc ở Hà Nội và một tháng ở Mỹ, tham gia thiết kế phần cứng, phần mềm; chuẩn bị tài liệu kỹ thuật cho các hệ thống tàu bay; sổ tay hướng dẫn bảo trì cho các hoạt động bay và bảo dưỡng máy bay. Ngoài ra, họ có thể tham gia giải quyết các vấn đề về cấu trúc của máy bay.

thang-8813-1679992712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QClyn34odzUb7veCL2dUfA

Nguyễn Bình Thắng, Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Bình Thắng, vẫn nguyên cảm giác hồi hộp dù đã trải qua cuộc phỏng vấn với đại diện Tập đoàn Boeing trưa 27/3. Thắng tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam, hồi tháng 1 và được giữ lại trường.

"Được vào vòng phỏng vấn với Boeing là mơ ước của sinh viên ngành hàng không. Em đã nghĩ mình khó qua được vòng hồ sơ", Thắng nói.

Học cùng khoa với Thắng, Nguyễn Thị Hường là ứng viên còn lại của Học viện được chọn vào vòng này. Hường cho hay hãng tuyển thực tập sinh ở hai ngành, Kỹ thuật Hàng không và Điện - Điện tử.

"Đây là cơ hội rất tốt vì trước đấy, hãng chỉ tuyển sinh viên ở Mỹ", Hường, 23 tuổi, chia sẻ, cho biết từng ứng tuyển một lần nhưng không thành công.

Theo thông báo tuyển dụng thực tập sinh kỹ thuật của Boeing, ứng viên phải có điểm trung bình (GPA) từ 3.5/4 trở lên, có kinh nghiệm làm việc liên quan, có khả năng lãnh đạo, nghiên cứu khoa học, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới. Ngoài ra, ứng viên phải có IELTS từ 5.0 để học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.

Thắng và Hường cho biết cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh, diễn ra trong khoảng 15-20 phút. Hai đại diện của hãng ở Mỹ và Việt Nam đưa ra bốn câu hỏi chính, liên quan đến chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống và nguyện vọng của ứng viên.

Do chỉ có hai tuần chuẩn bị, Thắng và Hường tự ôn luyện bằng cách xem lại kiến thức đã học và đặt ra các tình huống giả định. Cả hai nói tin vào phần thi của mình và hy vọng sẽ gặp may mắn.

thang1-1718-1679992712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-tz6CJoFeqZ6LWnO8_ulhg

Hường (bìa phải) trong cuộc phỏng vấn với đại diện hãng Boeing hôm 27/3. Ảnh: Học viện Hàng không Việt Nam

Học viện Hàng không Việt Nam dẫn một dự báo cho biết trong 30 năm tới, khu vực Đông Nam Á cần khoảng 4.000 máy bay và Việt Nam được xác định là quốc gia dẫn đầu xu hướng này.

Tại Việt Nam, Boeing đang hợp tác đẩy mạnh giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực trẻ cho ngành hàng không trong thời gian tới.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022