Có lẽ những người yêu văn chương đã ít nhất một lần thả hồn mình "bay" trong cõi êm đềm của văn Thạch Lam, một trong những cây bút xuất sắc của nhóm Tự lực văn đoàn và của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Được mệnh danh là "nhà văn vẽ nắng trong lòng người đọc", văn phong của Thạch Lam nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ, luôn hướng đến những điều giản dị, đời thường nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhà văn Thạch Lam sinh ngày 7/7/1910, cách đây 115 năm.
Những áng văn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và trữ tình
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, ông sinh tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại. Sau khi đỗ bằng Thành chung năm 1927 và học một năm ở Trường Canh nông, Thạch Lam xin vào học ở Trường Albert Saraut - trường dành riêng cho con em Tây và các gia đình quan lại, giàu có. Năm 1931, Thạch Lam đỗ bằng Tú tài phần thứ nhất. Sau đó ông theo anh trai là Hoàng Đạo vào Sài Gòn và bắt đầu viết văn, làm báo.
Năm 1933, Thạch Lam lập gia đình và về ở trong một căn nhà đơn sơ nhưng ấm cúng tại làng Yên Phụ (Hà Nội). Cũng trong năm này, anh trai Thạch Lam là Nhất Linh thành lập nhóm “Tự lực văn đoàn”. Thạch Lam cùng Hoàng Đạo tham gia nhóm này. Tự lực văn đoàn là một nhóm thanh niên trí thức gồm 7 người: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Dư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu).
Nhà văn Thạch Lam (1910 – 1942)
Thạch Lam đến với văn chương như mang theo sứ mệnh hòa hợp giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn. Khác với các tác giả khác trong nhóm “Tự lực văn đoàn” văn phong của Thạch Lam có vẻ như “chảy” riêng biệt một dòng rất nhẹ nhàng và tinh tế. Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam như một bài thơ về những cuộc đời với cốt truyện không có gì đặc biệt, thậm chí đôi khi đơn giản đến như không có và những nhân vật với thân phận nhỏ bé, côi cút, và bất hạnh, gợi sự thương cảm xót xa sâu sắc của tình người. Vậy mà, tác phẩm vẫn đủ để truyền vào và "neo đậu" trong lòng người đọc những sự xúc động và sự cuốn hút nhất định. Giữa bộn bề ngột ngạt của cuộc sống hiện đại, đọc lại Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ, Cô hàng xén, Nắng trong vườn… của Thạch Lam, ta thấy tâm hồn mình như lắng lại, như được gột rửa trong sáng hơn, thanh sạch hơn.
Đặc biệt nhất là Hai đứa trẻ, truyện ngắn trích trong tập Nắng trong vườn năm 1938 là một tiêu biểu, một điển hình cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Truyện ngắn, với cốt truyện đơn giản, kể về một phố huyện nghèo từ chiều tàn cho tới đêm khuya. Nơi ấy, có những người dân nghèo, ngày nào cũng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại những công việc đơn điệu. Nhưng điểm nhấn của tác phẩm nằm ở hai cô bé được mẹ giao cho trông coi một cửa hàng nhỏ, ngày ngày, đêm đêm cố thức để đợi chuyến tàu đi qua để khát khao hưởng trọn cái ánh sáng từ con tàu ấy. Với chất thơ bao trùm cả tác phẩm, thế hiện xuyên suốt ở cả vẻ đẹp trong cảm xúc, tình cảm, tâm trọng của nhân vật, của nhà văn; cũng như ở vẻ đẹp hình thức nghệ thuật của Thạch Lam, ông đã thành công khắc họa được rõ nét vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường, những tình cảm ngây thơ cùng sự khắc khoải của những niềm mong ước xa xôi.
Ngôn ngữ miêu tả của Thạch Lam cũng khá chân thực nhưng đầy chất thơ. Đó là thứ ngôn ngữ như những sợi tơ giăng mắc vào không gian. Những câu văn ngắn dài theo mạch cảm xúc, những hình ảnh thân thuộc được thi vị hóa “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” trong Hai đứa trẻ. Thạch Lam đã đưa ngôn ngữ của cảm xúc hay nói cách khác là đưa ngôn ngữ của thơ vào trong văn xuôi tạo nên những áng văn đẹp, gợi cảm và giàu xúc cảm, vừa cho ta nhìn vừa cho ta cảm nhận thấy bằng ngôn ngữ của sự từng trải, ngôn ngữ của cuộc đời và mang tính thuần Việt, mang đậm chất Việt.
Chính nhà văn Nguyễn Tuân – một bậc thầy ngôn ngữ văn học – đã từng thừa nhận: “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta”. Đó là lời đánh giá xác đáng, bởi Thạch Lam không chỉ viết văn, ông đã thổi hồn vào tiếng Việt, làm nó trở nên gần gũi, thân thuộc mà cũng đầy chất thơ, chất mộng mơ, tinh tế. Qua những dòng văn ấy, ngôn ngữ Việt như được "khoác" một lớp áo mới – không cầu kỳ kiểu cách nhưng đầy xúc cảm.

Ngòi bút của tình yêu thương và nhân ái
Giữa lúc các nhà văn lãng mạn 1930-1945 say sưa với những tác phẩm văn chương theo khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật” thì Thạch Lam - một nhà văn lãng mạn lại bám rễ sâu vào hiện thực. Cảm hứng lãng mạn của ông như một cánh diều mà sợi dây bền chặt là hiện thực cuộc sống. Nhà văn Thạch Lam quan niệm: "đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
Như vậy, Thạch Lam đã bút chiến với quan niệm nghệ thuật tiêu cực của dòng văn học lãng mạn bấy giờ. Ông hướng đến một thứ văn chương gắn bó mật thiết với đời sống, không thoát ly thực tại và tích cực hơn còn góp phần đấu tranh cho cái thiện toàn thắng, làm cho con người sống tốt đẹp hơn. Nói như Nguyễn Tuân: “xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống trang trọng trước sự sống của mọi người xung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và tác phẩm văn học”.

Tác phẩm "Gió đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam
Nếu như Nguyễn Công Hoan tài năng trong việc khắc hoạ bức tranh thế giới quan lại khả ố, bất lương và Nam Cao rực rỡ trong những sáng tác về người nông dân và trí thức tiểu tư sản thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút vào cuộc sống của những người ở tầng lớp dân nghèo với những khám phá tinh vi về thế giới nội tâm, đời sống tinh thần bên cạnh nỗi khổ “áo cơm ghì sát đất”. Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng...
Quả thật khó mà quên được một mẹ Lê (truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”), bà mẹ nghèo với mười một đứa con bữa rau bữa cháo, chật vật cố gượng sống qua ngày. Chính tình thương thuần phác và tấm lòng của người mẹ khổ ấy đã nâng đỡ, bao bọc cho những đứa con trong túp lều chật hẹp, tồi tàn. Cũng chính vậy, khi mẹ Lê bị chó dữ nhà giàu cắn chết, chỉ để lại đàn con thơ nghèo đói, chẳng còn chỗ dựa giữa cuộc đời…
Còn biết bao hình ảnh đáng thương, đáng nhớ khác nữa trong từng trang viết của người văn nhân ấy: đó là những cô Dung, một thời thơ trẻ bị quên lãng thiệt thòi; một đời làm dâu và một đời chết trong cõi sống…. (Hai lần chết); đó là những đứa trẻ cố thức chỉ để nhìn ánh sáng đèn của chuyến tàu đêm, với hy vọng được “lặng theo mơ tưởng về một Hà Nội xa xăm và huyên náo”. Là những người lính cũ (Người lính cũ), những anh Bào (Người bạn trẻ), cô Khanh (Người bạn cũ)... Đó là những con người với trái tim và tâm hồn lương thiện, mà bị những con sóng dữ, những làn gió độc của cuộc đời đưa đẩy tới những kết cuộc bế tắc, lầm than, bi đát vô cùng.
Đó là những câu chuyện thật cảm động về những con người vẫn đang nép mình ở đâu đó trong xã hội này. Những mảnh ghép của cuộc đời họ đã được nhà văn Thạch Lam "vẽ" nên thật giản dị, chân chất, mà thấm đượm tình thương, niềm trân trọng. Ông đã tạo ra những trang văn đẹp, giản dị nhưng vô cùng nhân đạo. Những con người dù bị chà đạp vẫn cố gắng vươn tới vẻ đẹp thanh cao, những con người dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung tâm trạng dày vò, buồn rầu và lòng khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cao quý hơn. Trong Hai đứa trẻ, ánh sáng từ gánh hàng rong cuối ngày không chỉ soi rọi màn đêm phố huyện mà còn soi rọi vào tâm hồn người đọc – ánh sáng của niềm hy vọng, dù mong manh nhưng vẫn tồn tại. Trong Dưới bóng hoàng lan, mùi hoa thơm lặng lẽ gợi lại biết bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, để rồi kết thúc bằng sự im lặng, nhẹ nhàng nhưng da diết.
Văn Thạch Lam đẹp, tinh tế; con người Thạch Lam hồn hậu và rất mực tài hoa. Đó là lý do vì sao mà hơn 80 năm kể từ ngày ông mất (ngày 27/6/1942), những người yêu văn chương vẫn không thể quên được một dáng hình khiêm nhường, từ tốn “bước những bước thật nhẹ nhàng” vào làng văn học, mang theo những trang văn nồng nàn chất thơ. Ba mươi hai tuổi đời, chưa đầy sáu năm cầm bút, Thạch Lam đã góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX những truyện ngắn mang giọng điệu riêng, chan chứa ân tình, đằm thắm yêu thương in bóng trong tâm hồn biết bao thế hệ.