Theo công ty nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử (game) Newzoo, thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi game, dự kiến lên thành 4,5 tỷ người vào năm 2030. Thị trường được dự đoán đạt doanh thu 218,7 tỷ USD trong năm nay.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới có khoảng 100-150 doanh nghiệp phát hành game, quy mô thị trường đạt một tỷ USD, đồng thời có thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp.

Một số chuyên gia trong ngành cho hay nếu đạt được quy mô này, nhu cầu nhân sự sẽ lên tới 25.000 người, gồm công việc toàn thời gian, bán thời gian và freelancer (làm tự do).

TS Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), cho hay theo khảo sát, hiện có khoảng 800 bài đăng tuyển nhân sự game trên các trang tuyển dụng, từ 45 doanh nghiệp trong nước. Trong đó, 50% vị trí tuyển chuyên gia phát triển, 30% về thiết kế. Các doanh nghiệp được trường thăm dò cũng gửi về kết quả khá tương đồng.

Đây là lý do hai năm qua, PTIT nghiên cứu chương trình Thiết kế và Phát triển game, thuộc ngành Công nghệ đa phương tiện, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp. Chương trình bắt đầu tuyển với 200 sinh viên vào năm học này.

Trước đó, hai đại học quốc tế là RMIT và Anh quốc Việt Nam (BUV) đã có chương trình về Thiết kế game. Vì vậy, PTIT được coi là đại học Việt Nam đầu tiên đào tạo ngành này.

Chương trình học

Chương trình của PTIT được xây dựng dựa trên khảo sát yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tham khảo chương trình của nhiều đại học có ngành game trên thế giới như Đại học New York, Southern California hay Viện Công nghệ Digipen của Mỹ.

Sinh viên được học các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, hệ thống pháp luật Việt Nam, kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội như các ngành khác.

Vào chuyên ngành, các em sẽ tìm hiểu tổng quan về ngành công nghiệp game, các nguyên lý thiết kế cũng kiến thức liên ngành về tâm lý, kinh tế, pháp luật, marketing. Ngoài ra, sinh viên được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để xây dựng kịch bản game, có khả năng giữ chân người chơi và tạo doanh thu, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng.

Người học cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng về khoa học máy tính và công nghệ đa phương tiện, an toàn thông tin. Đây là những kiến thức nền tảng để phát triển các game hoàn chỉnh theo kịch bản cũng như kiểm thử, đánh giá, triển khai, cung ứng và bảo vệ dịch vụ game một cách an toàn, hợp pháp.

Chương trình học gồm cả các dự án thực tế tại doanh nghiệp từ năm thứ hai, cũng như cơ hội tham quan học tập, làm việc tại những quốc gia có nền công nghiệp game phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

TS-Cao-Minh-Thang-6608-1716272419.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vVI9R9bi47MQ6SS_16f08w

TS Cao Minh Thắng chia sẻ tại Diễn đàn Game Việt Nam 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Thời gian đào tạo và học phí

Chương trình đào tạo Thiết kế và Phát triển game thuộc ngành Công nghệ Đa phương tiện, kéo dài 8 học kỳ với 135 tín chỉ.

Học phí năm học 2024-2025 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khoảng 27-34 triệu đồng với các chương trình đại trà, bao gồm Thiết kế và Phát triển game.

Cơ hội nghề nghiệp

Vị trí công việc chính của sinh viên sau khi ra trường theo định hướng là chuyên gia thiết kế kịch bản game (Game designer) hay chuyên gia phát triển (Game developer) tại các công ty, studio thiết kế, phát triển và phân phối game trong và ngoài nước như VTC Game, VNG, Game Loft,...

Tuy nhiên, sinh viên vẫn có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận các vị trí:

- Chuyên viên kiểm thử game (Game Tester).

- Chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì các hệ thống game (Game Tecnical Operator).

- Chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm (Software Developer, Software Tester).

- Chuyên viên quản lý nhà nước về Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể khởi nghiệp, trở thành cán bộ nghiên cứu, giảng viên về thiết kế và phát triển game tại các viện, trung tâm và các cơ sở đào tạo.

Thu nhập

Học viện Công nghệ Bưu chính đã khảo sát thị trường lao động, thu nhập của sinh viên ngành Công nghệ Đa phương tiện hiện làm trong ngành game.

Kết quả cho thấy mức lương của sinh viên sau khi ra trường 1-2 năm (Junior) khoảng 10-20 triệu đồng một tháng. Nhiều người nhận mức gấp 2-3 lần sau vài năm.

Với những ứng viên có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp, thu nhập có thể lớn hơn rất nhiều.

Dương Tâm

Tin 24H

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022