Để đầu tư cho con thi vào lớp 6 trường THCS có tiếng, nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc, công sức để tìm thầy, tìm trung tâm nổi tiếng cho con ôn luyện. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Từ kinh nghiệm đồng hành cùng con trai và nhiều học sinh thi đỗ vào cấp 2 Trư­­ờng THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, chị Thu Hải (giáo viên ở Hà Nội) đã nhấn mạnh lại một số điều quan trọng bố mẹ cần biết trước khi quyết định cho con theo đuổi hành trình thi vào trường chất lượng cao (CLC) hay không.

photo-1-1721053475010386862106.jpg

Con chị Hải thi đỗ vào cấp 2 Trư­­ờng THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

Yếu tố quan trọng đầu tiên: Phải học đều

Điểm chuẩn cao nên không có môn nào có thể đỡ cho môn nào được, vậy nên yếu tố đầu tiên là con phải học đều. Bố mẹ nên bổ sung kiến thức và kèm con sát hơn ở những môn con không có thế mạnh. Với con trai, chị Hải xác định con kém Văn nên phải sát sao hơn nhiều vì Văn rất dễ thấp điểm.

Năm nay điểm chuẩn 25, tính ra mỗi môn con phải được 8.4 điểm. Đề thi Trư­­ờng THCS và THPT Nguyễn Tất Thành không quá khó ở mức đạt được 6-7-8, nhưng từ 8.5 điểm thì các con phải có tư duy và "chất" thực sự. Bằng việc lấy điểm cao và đều ở 3 môn thì trường Nguyễn Tất Thành rất thông minh trong tuyển sinh, họ sẽ chọn được học sinh ưu tú và giỏi đều cả 3 môn, chứ không bị lệch hay kém môn nào.

Trường lấy điểm khá cao đều ở 3 môn, vậy nên một số bạn dù được 9.5 hay 10 điểm/môn vẫn không thể đỗ do điểm hai môn hoặc một môn còn lại quá thấp. Điểm 10 chỉ có thể đến với môn Toán, Anh, còn môn Văn được 8 đã được coi là quá tốt. Vậy nên nếu lệch 1 môn Văn thôi chẳng hạn, các con gần như không có cơ hội đỗ. Việc học đều cả 3 môn là tối quan trọng để tự các môn phải gánh chính nó, chứ không chờ môn nào gánh được cho môn nào hết

Yếu tố thứ 2: Xác định năng lực của con

Với yêu cầu 3 môn học đều như trên, nếu gia đình nào có con học lớp 3, 4 mà cảm thấy con quá lệch 1 môn nào đó, xác định khả năng của con không thể được 7-8 điểm môn đó thì nên tính phương án sớm khác cho con, thay vì theo đuổi con đường ôn CLC.

Trong trường hợp con xuất sắc môn tiếng Anh mà bị lệch Văn hoặc Toán thì bố mẹ có thể cân nhắc cho con theo đuổi trường THCS Ngoại ngữ (UMS), vì UMS chỉ lấy 5.5 - 6 điểm/môn, nên bạn nào giỏi xuất sắc tiếng Anh thì có thể kéo lại được. Nếu con không thuộc trường hợp kể trên, thì bố mẹ cân nhắc cho con học trường tư/trường công bình thường cũng tốt. Lựa chọn tốt nhất là lựa chọn phù hợp nhất với con.

Nhiều người sẽ phản đối cho rằng tại sao không tin tưởng con, không cho con cố gắng mà lại phải tìm hướng khác. Với kinh nghiệm làm việc với nhiều học sinh, chị Hải cho rằng, việc cố gắng nhất định phải từ phía con, nhưng có những bạn không thể cố dù rất muốn do việc tiếp thu kiến thức của con cũng chỉ ở mức nhất định; hay như một số bạn khả năng kiên trì theo đuổi mục tiêu cũng chưa lớn. Do vậy, bố mẹ phải tỉnh táo để hiểu con mình, đồng hành cùng con để có những lựa chọn phù hợp nhất cho con. Đó mới là sự thành công thực sự sau mỗi mùa thi.

Yếu tố thứ 3: Bố mẹ phải cực kì quan tâm đến điểm ưu tiên và khuyến khích của con. Đó đôi khi lại là điểm quyết định đỗ/trượt của con

Với trư­­ờng THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, theo chị Hải, bố mẹ nhất định phải đầu tư thêm TOEFL Primary hoặc Toán WMTC.

Với tiếng Anh, chị Hải cho rằng: Thứ nhất, đề thi trường Nguyễn Tất Thành có tham khảo nội dung và mức độ của TOEFL Primary Step 2. Thứ hai, các con đạt chứng chỉ TOEFL Primary từ 228/230 là được cộng điểm khuyến khích từ 1-2 điểm. Vậy là sẽ một công đôi việc.

Con chị Hải có TOEFL 229/230, được cộng 1.5 điểm vào điểm tổng, và đó là điều kiện đủ để con đỗ. Vì mỗi năm sẽ có thể thay đổi quy chế thi, nên tốt nhất các mẹ để lớp 5 cho các con thi chính thức. Còn các lớp dưới thì các con nên được học tiếng Anh nền tảng và nếu có thi cũng là để trải nghiệm.

Với trường THCS Cầu Giấy, bố mẹ phải quan tâm tới điểm học bạ. Trong các năm từ lớp 1, phải chuẩn bị cho con điểm học bạ tốt nhất có thể. Toàn 10 là một lợi thế lớn

Với trường THCS Nam Từ Liêm, các con được điểm khuyến khích cho TOEFL Primary và Flyers. Do vậy, việc quyết định cho con thi Flyers hay không thì các mẹ cần xem định hướng thi của trường mà gia đình mong muốn.

Yếu tố thứ 4: Chọn thầy cô luyện ôn cho con, không cần phải thầy cô quá nổi tiếng, mà cần thầy cô đã có kinh nghiệm luyện CLC

Theo chị Hải, những thầy cô này sẽ nắm chắc được vùng kiến thức hay thi vào, và điều bắt buộc là phải sát sao với việc luyện của con. Khi bố mẹ đã lựa chọn là phải tin tưởng thầy cô, kiên trì sát sao với con cùng thầy cô để đạt hiệu quả.

Bố mẹ cũng đừng thả con cho thầy cô mà phải đồng hành, giám sát, truyền động lực; như mình năm trước cũng phải cả 1 năm cùng chạy đua với con, chứ không dễ dàng ngày 1 ngày 2 mà thành công. Bố mẹ cần xác định rằng, không phải cứ đầu tư khủng là đỗ. Đỗ hay trượt phụ thuộc nhiều yếu tố, con cứ tiến bộ so với chính con cũng đã một thành công lớn sau mùa luyện thi.

Cuối cùng, theo chị Hải, các con còn nhỏ lắm; bố mẹ định hướng đúng thì con đi đúng, bố mẹ định hướng chưa chuẩn là con "chịu trận". Bố mẹ nghiên cứu nhiều thứ nhưng cũng phải quyết đoán. Tập trung cao độ cho mục tiêu đã đặt ra, nhưng vẫn phải biết buông, biết bỏ những thứ chưa phù hợp với con.

Trong thời gian luyện thi, bố mẹ nên bỏ bớt cho con những hoạt động khác hoặc giảm bớt thời gian để tăng thời gian cho việc luyện thi. Với chị Hải, từ lớp 4-5 chị phải giảm thời gian học Nghe-Nói của con để tập trung luyện theo format đề thi, rồi cũng phải giảm bớt thời gian học đàn, học vẽ… cũng để đầu óc con tập trung hơn vào việc ôn luyện.

Bà mẹ này cho rằng, bản thân chị không biết gì nhiều Toán, Văn, nhưng quan trọng là đồng hành, định hướng đúng cho con, truyền cảm hứng cho con để con theo các định hướng đó một cách tự nguyện và đầy quyết tâm. Như vậy là 99% thành công, 1% còn lại thuộc về may mắn. Phải đầu tư thông minh, có tính toán, bài bản, kiên trì thì mới có hiệu quả.

Định hướng cho con, tuy nhiên chị cũng không tạo áp lực. Chị nói với con dù đỗ hay không thì con vẫn có những lựa chọn khác. Và dù học ở đâu, nếu con thực sự cố gắng vẫn có thể đạt được những mục tiêu mong muốn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022