Khoảng một tuần nay, trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo về cuộc thi "Olympic Toán học 2024". Người đăng bài đính kèm văn bản có chữ ký của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, gửi thông báo về cuộc thi tới UBND tỉnh, thành phố.

Theo đó, cuộc thi dành cho học sinh 4-18 tuổi. Các em sẽ dùng ứng dụng Telegram để nhận thông báo xét duyệt và thư mời tham gia khóa học. Thời gian, địa điểm thi sẽ được bộ phận tổ chức liên hệ trực tiếp với phụ huynh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 5/8 khẳng định văn bản này là giả mạo. Bộ đã đề nghị cơ quan công an xác minh và xử lý theo quy định.

Bo-jpeg-3505-1722841208.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Uyb9nrdTLMgXb0nfRPf-Bw

Văn bản bị giả mạo. Ảnh: MOET

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần bị giả mạo văn bản, hay bị lập fanpage mạo danh. Bộ khẳng định chỉ cung cấp thông tin trên môi trường mạng qua 3 kênh, gồm cổng thông tin điện tử của Bộ (https://moet.gov.vn/Pages/home.aspx), fanpage Facebook có tick xanh (https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao/) và kênh Youtube (www.youtube.com/@MOET-BộGiáodụcvàĐàotạo).

Telegram ra đời năm 2013, là ứng dụng chat phổ biến thế giới, nổi tiếng về tính bảo mật nhưng cũng vì đó mà trở thành "thế giới ngầm" của tội phạm lừa đảo. Ứng dụng này không yêu cầu bất cứ thông tin nào ngoài số điện thoại nhận OTP (có thể thuê, mua qua dịch vụ). Người dùng có thể ẩn danh và xóa dấu vết tin nhắn.

Theo Datareportal đầu năm 2023, khoảng 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam từ 16 đến 64 tuổi có sử dụng Telegram. Nhiều người Việt bị lừa tiền thông qua các nhóm trò chuyện trên ứng dụng này.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022