Thông tin được ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ nói tại hội nghị "Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Nam", do Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tổ chức tại TP HCM, chiều 22/8.

Theo ông Cường, khu vực phía Nam là địa bàn có vị trí quan trọng, song hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng như kỳ vọng. Ông đánh giá, việc nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, tri thức mới là cần thiết để nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần công nghệ ứng dụng ngay đáp ứng thực tiễn sản xuất, vì thế cần có các giải pháp tức thời. Một trong số đó là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

hoi-thao-chuyen-giao-cong-nghe-8559-6914-1724341996.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=91R1paHmAJV9QI8iIruX7g

Ông Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo, chiều 22/8. Ảnh: Hà An

Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, giúp ứng dụng nhanh trong hoạt động của doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Các chương trình này rất phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ cấp thiết của doanh nghiệp. "Các Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng tương tác, lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp để tìm kiếm công nghệ phù hợp", ông nói và cho biết việc này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, đại diện Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam quy định tại Quyết định 1851, sau này được sửa đổi bằng Quyết định 138 do Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2022. Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan được giao xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; nâng cao năng lực, nhân lực của doanh nghiệp. Đề án cũng xác định một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên chuyển giao như công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản...

Theo ông Tùng, đơn vị đã xây dựng 14 bản đồ công nghệ giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm phù hợp. Các bản đồ công nghệ về chọn tạo giống, công nghệ gene, tế bào gốc, vaccine cho người, in 3D... giúp doanh nghiệp làm căn cứ để phát triển công nghệ phù hợp.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Yuge Kosei, Trưởng bộ phận Marketing và quan hệ khách hàng, công ty Kanematsu KGK Việt Nam nói đơn vị nghiên cứu thành công công nghệ proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi thực phẩm. Công nghệ này được cấp bằng độc quyền sáng chế. Dù chưa có kế hoạch chuyển giao, nhưng ông Yuge Kosei nói sẵn sàng cho việc đặt nhà máy, sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.

Bà Đặng Thị Hồng Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang) đề xuất cần phát triển mạnh các nền tảng kết nối trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ dễ dàng kết nối thông tin, hợp tác. Các diễn đàn, hội thảo và sự kiện kết nối cần được tổ chức thường xuyên để các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi ý tưởng. Bà Yên cho rằng, cần tạo lập và duy trì các mô hình thí điểm thành công về ứng dụng công nghệ mới, sau đó có đánh giá, điều chỉnh và nhân rộng ra cộng đồng.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022