Diễn viên gạo cội tham gia Ma da - phim hiện có doanh thu hơn 60 tỷ đồng sau năm ngày ra rạp. Dịp này, ông nói về nghề diễn và cuộc sống.

- Ở tuổi 57, ông giữ nhiệt huyết với nghề ra sao?

- Gần đây, tôi ít xuất hiện hơn vì chọn lọc kịch bản, chủ yếu đóng phim điện ảnh. Tôi thích những dạng vai thử thách về diễn xuất nhưng vẫn gần gũi khán giả. Với Ma da, đoàn phim muốn tìm một gương mặt vào vai ông Dân - người miệt vườn Cà Mau, từng làm nghề vớt xác nhưng từ bỏ công việc này sau một biến cố. Vốn thích bối cảnh sông nước miền Tây, tôi nhận lời mà không đắn đo.

ns-trung-dan-3-6194-1724065894.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pHwMZpIBNz1m4hDqNXJqPg

Nghệ sĩ Trung Dân ở buổi ra mắt phim tại TP HCM giữa tháng 8. Ảnh: Mai Nhật

- Ít đóng phim hơn, ông trang trải cuộc sống thế nào?

- Nhiều năm trước, vợ tôi kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, mua vài miếng đất giá rẻ nên bây giờ, gia đình sống khá thoải mái. Tôi không ăn chơi phung phí, cơm ngày hai bữa, không cao lương mỹ vị, nhà ở vừa đủ. Nhờ vậy, chúng tôi tích lũy đủ để nuôi ba con ăn học thành tài. Tôi luôn tâm niệm: Làm gì thì làm, hạnh phúc nhất vẫn là mỗi tối ngủ một giấc đến sáng mà không phải trằn trọc vì lo âu, nợ nần.

Tôi có được cuộc sống ngày nay, công đầu là nhờ vợ. Tôi không ngại nói rằng vợ là trụ cột kinh tế trong nhà, dù có thể có người bình luận: "Đàn ông gì kỳ vậy?". Cô ấy quán xuyến mọi chuyện, từ việc kiếm tiền đến lo cho con cái, chu toàn hai bên nội ngoại. Tôi may mắn vì có một người vợ "anh hùng", chứ tôi chỉ biết việc diễn xuất. Tất nhiên, khi gia đình có việc hệ trọng, chúng tôi vẫn bàn bạc để thống nhất ý kiến.

ns-trung-dan-1-8794-1724065894.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UjjXY7Vjosj7AqtzGOHQOw

Nghệ sĩ thời trẻ bên vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- 30 năm qua, vợ chồng ông gắn kết ra sao?

- Nói thật, xuất phát điểm của chúng tôi không phải là tình yêu. Năm tôi 27 tuổi, gia đình hối thúc lấy vợ vì thấy nghề diễn bấp bênh quá. Lúc ấy, tôi cũng chỉ bỏ ngoài tai, nhưng một ngày đẹp trời, ba tôi bảo "đi xem mắt" với ông. Rồi cơ duyên tới, tôi thuận theo gia đình, tổ chức đám cưới.

Ngày vợ vật vã sinh con đầu lòng trong bệnh viện, lòng tôi trỗi dậy một tình thương khó tả. Tôi tự hứa đến già sẽ không bao giờ làm cô ấy buồn một lần nào. Chúng tôi chưa từng có bất đồng lớn, chỉ một số chuyện lặt vặt, chẳng hạn không thích ngôi nhà này, miếng đất kia. Đến nay, tôi vẫn biết ơn ba mẹ vì đã giúp tôi chọn một hậu phương ăn ý.

- Gia đình là điểm tựa cho ông thế nào trong nhiều năm theo nghề?

- Vợ con luôn hiểu cho cái nghề đi sớm về khuya của tôi. Ngày con còn nhỏ, tôi về nhà thì các bé đã ngủ, đi làm khi chúng còn chưa dậy. Có lần, một bé nói với tôi: "Con muốn ba bớt công việc lại để tình trạng này không tiếp diễn nữa".Tôi nhẹ nhàng ôm con, bảo: "Ba đi làm nhiều cũng để kiếm tiền đóng học phí, chi trả trong gia đình. Con thương ba thì ráng nghe lời mẹ lo học nhé".

Đến nay, con cái đã trưởng thành, tôi không còn vướng bận gì nhiều. Con đầu đã kết hôn, hiện sống tại Australia, hai bé sau theo ngành khoa học tự nhiên. Các con từng nói niềm tự hào nhất là khi đọc báo chưa thấy ba có một scandal nào. Tôi cũng luôn hứa với bản thân phải sống thật đẹp với nghề.

trung-dan-trong-dat-phuong-nam-1694506807.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eTQmjB14_zJNMuja75_Byw
Trung Dân trong 'Đất phương Nam'

Trung Dân với vai Út Lục Lâm trong "Đất phương Nam" (1997). Video: TFS

- Ngoài diễn xuất, điều gì khiến ông gắn bó với nghề dạy?

- Ba năm qua, tôi dạy cộng tác ở khoa Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM). Lương nghề giáo không cao, nhưng tôi thích cảm giác được "chuốt" bài cho các em về diễn xuất, lời thoại. Làm việc với sinh viên cũng là cách tôi phát hiện các lứa tài năng trẻ. Từng tham gia nhiều đoàn phim, tôi nhận ra một số êkíp không chú tâm tuyển diễn viên có đào tạo, chỉ chọn các gương mặt nổi tiếng nhất thời, hiện tượng ăn theo mạng xã hội. Theo tôi, đó là cách làm việc "ăn xổi ở thì", đánh lừa khán giả, làm lãng phí đội ngũ diễn viên tiềm năng. Những đoàn như vậy, nếu phát hiện sớm, tôi từ chối hợp tác từ đầu.

Tôi thường dặn sinh viên, làm nghề nào cũng vậy, phải tôn trọng tiền bối, đừng vì bản thân tài năng mà "coi trời bằng vung". Có lần, tôi đến thăm một êkíp, chứng kiến đạo diễn quát mắng diễn viên ngay trước ống kính bằng những từ ngữ khó chấp nhận. Đóng phim bao năm, tôi quan niệm cátxê chỉ là phụ, cách hành xử văn minh, chuyên nghiệp của những người làm nghề mới là thứ cần đặt lên hàng đầu.

trung-dan-phu-hai-trong-tieu-pham-du-thi-gala-cuoi-2005-day--1724065158.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SF6PeodrtwfxpFEDdx2ubg
Trung Dân, Phú Hải trong tiểu phẩm dự thi Gala Cười 2005 - "Dạy cháu"

Trung Dân, Phú Hải trong tiểu phẩm Gala Cười 2005 - "Dạy cháu". Video: SCTV

- Ông còn tâm nguyện nào với phim ảnh, sân khấu?

- Tôi không mong đóng chính bởi luôn làm việc với quan điểm: Phải có trách nhiệm với dự án, dù được giao vai chính hay phụ. Nghề diễn là nghề của cảm xúc, cùng thăng hoa với khán giả qua mỗi vai diễn với tôi đã là niềm hạnh phúc.

Về sức khỏe, tôi may mắn không có bệnh nền, có lẽ vì biết cách chăm sóc bản thân. Nếu không có lịch quay, tôi đi ngủ từ 21-22h. Nhờ vậy, mỗi khi phải ghi hình xuyên đêm, tôi vẫn đủ sức khỏe lẫn độ tỉnh táo. Tôi chỉ mong sớm có cháu ngoại, thỉnh thoảng đi du lịch cùng vợ. Còn lại, mọi chuyện đã có bề trên sắp xếp.

Nghệ sĩ tên đầy đủ là Nguyễn Trung Dân, quê ở Hóc Môn, TP HCM. Mê diễn xuất từ bé, ông thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM), tốt nghiệp năm 1992. Sau đó, ông ghi dấu qua nhiều vai kịch nói như Mười hớt tóc (Dưới bóng cây bồ đề), ông Đối (Tin ở hoa hồng), ông Mạnh (Thuốc đắng giã tật), ông cậu (Cậu Đồng), ông Ba Hòm (Tiếng vạc sành).

Năm 1997, ông nổi tiếng hơn với vai Út Lục Lâm trong phim truyền hình Đất phương Nam. Thập niên 2000, Trung Dân đóng loạt phim cổ tích, được nhớ đến qua nhiều dự án truyền hình như Cô gái xấu xí, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, Khát vọng thượng lưu.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022