Vỏ và xác cua tuyết trên một chiếc bàn trong Trung tâm Khoa học Thủy sản Alaska ở Kodiak, Alaska. Ảnh: CNN/Joshua A. Bickel
Năm 2022, ngư dân và các nhà khoa học vô cùng lo lắng khi hàng tỷ con cua tuyết biến mất khỏi biển Bering, Alaska. Thảm kịch này có vẻ chỉ là một trong những hậu quả của một quá trình chuyển đổi lớn đang diễn ra trong vùng, theo nghiên cứu mới công bố hôm 21/8 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Nghiên cứu chỉ ra, sự ấm lên và không có băng ở phía đông nam biển Bering - những điều kiện vốn thường thấy ở khu vực cận Bắc Cực - đang có khả năng diễn ra cao hơn khoảng 200 lần so với thời điểm trước khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh.
Sự thay đổi của hệ sinh thái biển Bering thậm chí diễn ra chỉ trong một đời người, theo tác giả chính của nghiên cứu, Michael Litzow, giám đốc phòng thí nghiệm Kodiak của Cơ quan Ngư nghiệp NOAA tại Alaska. Ông cho biết, sẽ có thêm nhiều năm rất ấm, trong khi những điều kiện Bắc Cực thực sự như lạnh giá, nhiều băng, sẽ hiếm gặp hơn.
Cua tuyết (Chionoecetes opilio) sống ở vùng nước lạnh Bắc Cực, phát triển mạnh tại những nơi có nhiệt độ nước dưới 2 độ C, dù chúng có thể hoạt động trong nước ấm tối đa khoảng 12 độ C. Đợt sóng nhiệt biển diễn ra vào năm 2018 - 2019 đặc biệt chết chóc với chúng. Nước ấm thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cua, nhưng không có đủ thức ăn để đáp ứng. Kết quả, hàng tỷ con cua chết đói, gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực thủy sản của Alaska những năm sau đó. Ngành cua tuyết có giá trị thương mại lớn, lên tới 227 triệu USD một năm.
Cua tuyết Alaska suy giảm báo hiệu sự thay đổi hệ sinh thái lớn hơn Bắc Cực, khi đại dương ấm lên và băng biển biến mất. Vùng biển xung quanh Alaska đang trở nên khó sống với một số sinh vật biển, bao gồm cua hoàng đế đỏ và sư tử biển.
Biển Bering ấm hơn cũng mang đến những loài mới, đe dọa những loài đã sống lâu trong vùng nước lạnh như cua tuyết. Thông thường, đại dương có một "hàng rào" nhiệt độ ngăn các loài như cá tuyết Thái Bình Dương tiếp cận môi trường sống cực lạnh của cua. Nhưng trong đợt sóng nhiệt 2018 - 2019, cá tuyết Thái Bình Dương đã tiến vào những vùng nước ấm hơn bình thường này và ăn cua tuyết.
Khu vực Bắc Cực ấm lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Litzow gọi tình trạng đang xảy ra ở biển Bering là dấu hiệu của những gì sắp tới. "Tất cả chúng ta cần nhận ra tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta chú ý nhiều đến điều này vì lý do chính đáng - cuộc sống của mọi người phụ thuộc vào đó", ông nói.
Thu Thảo (Theo CNN)