Theo The Value, tác phẩm gốm sứ nhận chú ý của giới sưu tầm khi được triển lãm tại Hong Kong từ ngày 27/7. Vợ chồng ông Lưu Ích Khiêm mua cổ vật ở phiên đấu giá của Sotheby's năm 2017, với giá 294 triệu HKD (37,6 triệu USD), lập kỷ lục tác phẩm gốm sứ đắt nhất thế giới bấy giờ. Từ đó, Lưu Ích Khiêm bảo quản chiếc bát ở Bảo tàng mỹ thuật Rồng (Long Museum) tại Thượng Hải. Vợ chồng tỷ phú thành lập Long Museum được hơn 10 năm, hiện có ba cơ sở tại Trung Quốc.

chiec-bat-1-000-nam-tuoi-gia-gan-40-trieu-usd-1721616288.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8MN2s5hu_auzVki4qTIPPg
Chiếc bát 1.000 năm tuổi giá gần 40 triệu USD

Bát gốm Nhữ diêu của doanh nhân Lưu Ích Khiêm. Video: Sotheby's

Cổ vật được chế tác thời Bắc Tống (960-1127), phục vụ cung đình. Tác phẩm màu thiên thanh, đường kính 13 cm, hình dạng chiếc bát đáy nông. Thời cổ đại, loại gốm sứ này thường được dùng đựng nước để rửa bút lông. Giới nghiên cứu nhận định nghệ nhân chỉ sản xuất gốm Nhữ diêu trong khoảng 20 năm, vì thế dòng gốm sứ này được ví là "ngôi sao băng" vụt qua trong lịch sử đồ gốm Trung Quốc, ngắn ngủi nhưng lấp lánh.

Các sản phẩm Nhữ diêu đều được đưa vào lò nung nhiều lần, lần đầu nung thường, những lần sau nung tráng men. Lớp tráng men cho hình dạng nứt như đá quý, màu óng ánh, vì thế được giới sưu tầm ưa chuộng từ xưa đến nay.

co-vat-7003-1721617305.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a2EiS5pGzJCC-bCuy_JWAQ

Men gốm Nhữ diêu tạo hình dạng như đá quý. Ảnh: The Value

Chưa đầy 90 món đồ gốm Nhữ diêu còn tồn tại trên thế giới, hầu hết nằm trong bảo tàng lớn, chỉ vài chiếc thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, các cổ vật dòng này luôn nhận quan tâm lớn mỗi khi xuất hiện trên thị trường đấu giá hoặc được triển lãm.

Theo Ifeng, Lưu Ích Khiêm là một trong nhà sưu tập nổi tiếng thế giới khi sở hữu các tác phẩm đắt giá. Ngoài bát Nhữ diêu, ông có bức thư pháp Bình an của Vương Hy Chi thời Đông Tấn (giá gần 40 triệu USD năm 2010), bức khỏa thân Nu Couché của Amedeo Modigliani (giá hơn 170 triệu USD năm 2015), tranh Phật giáo thời Minh (giá 44,5 triệu USD năm 2014), chén hình con gà thời Minh (giá 35 triệu USD năm 2014), tranh Đào nguyên của Trương Đại Thiên (giá 34,4 triệu USD năm 2016), tranh Ngũ vương túy quy thời Nguyên giá hơn 47 triệu USD năm 2020).

co-vat-2-6717-1721617305.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FYOoKxrRDAAP_4Se0SukuQ

Mặt đáy chiếc bát. Ảnh: The Value

Lưu Ích Khiêm tham gia đấu giá nghệ thuật từ năm 1993. Ông cho biết đến nay, 99% tác phẩm của ông có được từ đấu giá, hiếm khi mua bán riêng tư. Lưu cho rằng giá của tác phẩm nghệ thuật nên để thị trường quyết định. "Trước đây, tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc thường được giao dịch riêng tư, chuyển nhượng cá nhân, vì thế khó mà xác định được giá trị của nó. Mua bán theo con đường đấu giá công khai sẽ tốt hơn", Lưu Ích Khiêm nói.

khiem-6983-1721617305.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ENENBbJ5zPelwoP5tsq8EA

Vợ chồng tỷ phí Lưu Ích Khiêm. Ảnh: The Value

Trang CC Art nhận định sau hơn 30 năm đấu giá, Lưu Ích Khiêm trở thành nhân vật quan trọng ở thị trường nghệ thuật Trung Quốc. Bên cạnh phổ cập kiến thức và quảng bá nghệ thuật Trung Quốc, ông liên tục bổ sung các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài vào bộ sưu tập, nhằm đưa Long Museum sánh vai với các bảo tàng thế giới.

Lưu Ích Khiêm 61 tuổi, quê Thượng Hải, bỏ học thời cấp ba, từng làm tài xế taxi. Ông giàu lên nhờ chơi cổ phiếu, buôn bán bất động sản và dược phẩm. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Hurun công bố tháng 3, Lưu Ích Khiêm sở hữu khối tài sản 34,5 tỷ nhân dân tệ (4,7 tỷ USD).

Như Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022