Những nạn nhân của "sữa cỏ"
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội như facebook, tiktok…bạn sẽ thấy xuất hiện những quảng cáo về các loại sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân, sữa dành cho người bệnh đái tháo đường, tim mạch, tự kỷ…với giá rất rẻ. Điều đáng nói, các sản phẩm sữa này đều không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu trên thị trường, chất lượng và hiệu quả cũng chưa được kiểm chứng và được gọi là “sữa cỏ”.
Một xưởng sản xuất "sữa cỏ" bị công an phát hiện và triệt phá.
Không ít người tiêu dùng đã mất tiền oan để mua về những sản phẩm sữa kém chất lượng. Một trong những “nạn nhân” của “sữa cỏ” là bà Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội. Sau khi tham dự một cuộc hội thảo về sức khỏe do một công ty bán hàng đa cấp tổ chức, bà đã nghe theo tư vấn của nhân viên bán hàng mua liền một lúc 4 hộp sữa được quảng cáo là tốt cho bệnh nhân tim mạch và chia 2 hộp cho chị Trần Phương Lan – con gái của bà. Chị Lan cho biết, khi xem vỏ hộp, chị thấy nhãn hiệu sữa lạ hoắc, mọi thông tin trên đó cũng toàn bằng tiếng Anh nên chẳng rõ được sản xuất từ đâu.
Để kiểm tra chất lượng của sữa, chị Lan đã mở thử một hộp để uống. Tuy nhiên, sau khi uống, chị cảm thấy bụng nôn nao, khó chịu. Hôm sau, chị pha và uống thêm một cốc sữa nữa thì lại xuất hiện cảm giác nôn nao, khó tiêu. Mặc dù rất tiếc tiền song chị vẫn quyết định vứt bỏ hết cả 4 hộp sữa mà mẹ chị đã mua nhầm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không chỉ tiếp thị và bán hàng tại những cuộc hội thảo, hướng đến khách hàng là các cụ già, “sữa cỏ” còn được bán tràn lan trên mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, gây nhầm tưởng cho người tiêu dùng.
“Sữa cỏ” còn len lỏi về các vùng quê nghèo, đánh vào nhu cầu sử dụng sữa giá rẻ và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Không ít trường hợp, thậm chí có trẻ em đã bị suy dinh dưỡng nặng khi sử dụng sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, những người sản xuất, kinh doanh “sữa cỏ” vẫn bất chấp, sẵn sàng đóng hộp những loại sữa bột thô, kém chất lượng để bán cho trẻ uống.
Mới đây, trên facebook cá nhân của BS Quan Thế Dân – Phó Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Thanh Hóa đã lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc khi gặp một bệnh nhi 4 tháng tuổi mà nặng chưa đến 5kg do người mẹ không có sữa nên mua sữa giá rẻ về cho con uống. BS Quan Thế Dân cho biết, xem hộp sữa thì thấy nhãn hiệu lạ, sản xuất ở Quốc Oai, vỏ hộp in rất đẹp, với chi chít thành phần dinh dưỡng và “nguyên liệu New Zealand”. Hỏi mẹ cháu bé thì biết sữa mua chịu ở quán gần nhà, giá 560.000 đ/hộp 900 gr. Đây chính là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng cho trẻ.
Làm thế nào để tránh mua nhầm sữa giả, sữa kém chất lượng?
TS.BS Trương Hồng Sơn Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam cho biết, “sữa cỏ” thường là những loại sữa được gia công từ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, sữa bột nguyên liệu có nhiều phẩm cấp, chất lượng khác nhau. Có những loại chất lượng thấp, giá rất rẻ, đóng trong bao, được mua về rồi đóng hộp, dán nhãn với cái tên na ná, gần giống các loại sữa của các công ty nổi tiếng đã có thương hiệu trên thị trường. Sau một thời gian, khi người tiêu dùng nhận ra đây là sữa kém chất lượng thì cơ sở gia công lại thay đổi nhãn mác, tên gọi…
"Sữa cỏ" bán tràn lan, cần lưu ý gì để tránh mua nhầm?
“Về mặt hàm lượng dinh dưỡng thì “sữa cỏ” có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Đồng thời, tại những cơ sở nhỏ lẻ rất khó để có một dây chuyền sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, sữa rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rôi loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc”, TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Việt Nam có "nữ hoàng của các loại cá", ăn vào tốt cho tim mạch, não bộ lại chống viêm hiệu quả
Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn ăn hằng ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Giữa “ma trận” sữa giả, sữa nhái với công nghệ tinh vi, người tiêu dùng rất khó phân biệt thật - giả, dễ nhầm lẫn mua phải sữa kém chất lượng.
TS-BS Trương Hồng Sơn hướng dẫn, để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và “sữa cỏ”, người tiêu dùng nên lưu ý, “sữa cỏ” thường chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy
Khi mua sữa, nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ, các số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
“Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua loại sữa này”, BS Trương Hồng Sơn đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, khi khi mở hộp sữa hoặc pha sữa, người tiêu dùng có thể quan sát và phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng thông qua các dấu hiệu sau:
-Sữa thật thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, độ mịn cao, không bị vón cục. Khi pha, sữa thường tan chậm và các hạt sữa thường lơ lửng trong cốc, không bị lắng cặn.
-Sữa chất lượng kém thường có màu vàng đậm hơn hoặc màu trắng, vị thơm gắt. Khi pha, loại sữa này thường tan nhanh, lắng xuống đáy cốc
Hiện nay trên thị trường, ngoài các loại “sữa cỏ” còn có những sản phẩm sữa của các thương hiệu nổi tiếng, được quảng cáo là hàng xách tay nên có giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm được nhập khẩu chính thức. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, về nguồn gốc, xuất xứ của loại sữa này có hai khả năng: thứ nhất là hàng giả; thứ hai là hàng nhập lậu và đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
“Dù là sữa thật, sản phẩm chính hãng nhưng nếu nhập lậu thì khâu bảo quản rất khó đảm bảo. Chẳng hạn để sữa trong môi trường nhiệt độ cao thì cũng khiến sản phẩm dễ bị vón cục, biến đổi chất lượng. Do đó, tôi rất mong người tiêu dùng, khi mua sữa thì nên mua của các công ty trong nước hoặc sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc bảo quản, phân phối và chất lượng của sữa”, TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến nghị.