Sáng 12-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa cứu sống một trường hợp nhiễm trùng huyết nguy kịch do kiến lửa cắn.

photo-2-1720755123751540992806.jpg

Bàn tay của bà M.T.L bị nhiễm trùng huyết sau khi bị kiến lửa cắn

Trước đó, bà M.T.L (57 tuổi; ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) trong lúc ra vườn hái chôm chôm để bán thì cầm trúng trái có ổ kiến lửa bám vào nên kiến cắn. Sau đó một ngày, tay bà L bị sưng, đau, sốt nên bà đi mua thuốc uống nhưng không giảm. Người nhà liền đưa bà L. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám và nhập viện điều trị.

Tình trạng người bệnh lúc vào khoa cấp cứu là sốt cao, tụt huyết áp, sưng đau bàn tay trái rất nặng.

Qua thăm khám và chẩn đoán ban đầu của bác sĩ, người bệnh bị sốc nhiễm trùng từ viêm mô bào bàn tay trái. Khoa đã tiến hành kích hoạt Code Sepsis (quy trình cấp cứu người bệnh nghi ngờ nhiễm trùng huyết) và xử trí nhanh cho người bệnh bằng hạ sốt giảm đau, kháng sinh, ổn định huyết áp, xét nghiệm máu, cấy máu.

Sau khi được cấp cứu tạm ổn định, người bệnh đã được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) để điều trị tích cực. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã ổn định và được chuyển đến nội trú để điều trị tiếp trong 3 ngày trước khi xuất viện.

Theo BS.CKI Nguyễn Thanh Dùng, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, các loại côn trùng có ngòi như ong, kiến… với nọc độc có thể gây phản ứng độc cục bộ lên cơ thể và gây dị ứng ở những người nhạy cảm trước đó. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều nọc độc và mức độ nhạy cảm trước đây của người bệnh, trường hợp phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.

photo-1-17207551185541231478870.jpg

Nữ bệnh nhân đã dần hồi phục sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Với những trường hợp phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ bị co thắt phế quản gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch dẫn đến tử vong.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022