Chị Hà Anh, sinh năm 1984, ở Từ Liêm, Hà Nội, kết hôn với người chồng bằng tuổi, anh Đặng Trần Thụy, đã gần 10 năm. Anh chị từng gặp nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, đỉnh điểm là có lần chị bị chồng đánh "thừa sống, thiếu chết". Nhưng cú sốc đó đã khiến chị có những nhìn nhận lại, thay đổi cách sống, ứng xử với chồng. Hiện giờ, chị đã là một chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình ở Hà Nội. Dưới đây là chia sẻ của chị về quá trình thay đổi quan điểm sống của bản thân.
Tôi từng hạnh phúc khi mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Chúng tôi đến với nhau không giống như những mối tình khác, không nồng cháy và cũng chẳng ồn ào. Mọi thứ diễn ra từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết hôn chỉ trong 6 tháng. Thời gian đầu mọi thứ đều khá ổn, cả tôi và anh đều suy nghĩ lạc quan, vui vẻ.
Nhưng cuộc sống bắt đầu thay đổi khi tôi sinh đứa con đầu lòng, năm 2008. Áp lực con cái, công việc, gia đình khiến cho một cô gái như tôi thấy quá sức so với độ tuổi 25. Đặc biệt là tài chính, chi tiêu phát sinh khi có thêm con nhỏ.
Có lần chồng tôi mở két thấy còn ít tiền, chẳng hỏi gì mà lại nói "mới đem tiền về, chưa tiêu gì sao đã hết?". Nghe thấy anh nói vậy, tôi rất ức chế cứ như thể tôi đem tiền đi tiêu gì hoang phí hay cho ai vậy. Anh còn nói tôi chẳng được tích sự gì, chỉ mỗi việc ăn với bế con mà cũng kêu mệt.
3 năm sau, đứa con thứ hai ra đời là lúc áp lực tăng nhiều hơn. Công việc nhiều lên, riêng mỗi việc chăm 2 con nhỏ đã ngốn hết thời gian rồi. Còn chưa kể đến việc nhà, bán hàng, cơm thợ… Ngày nào cũng như ngày nào, nó diễn ra thường xuyên và lặp lại như vậy.
Chị Hà Anh hạnh phúc bên chồng và hai cô con gái, 9 tuổi và 6 tuổi. |
Chồng tôi làm bên xây dựng nên bận suốt cả ngày. Cứ về đến nhà, anh lại chơi game, chẳng muốn động tay giúp vợ việc gì, đã thế thay đồ xong lại vứt vung vãi khắp nhà. Mâu thuẫn ngày một nhiều từ những chuyện nhỏ nhặt như thế.
Đỉnh điểm nhất là một lần trong khi ngủ, anh mơ và gọi tên một người con gái khác. Tim tôi như ngừng đập, tôi nằm im để nghe, không dám thở, sợ tiếng động anh sẽ ngừng nói. Rồi tôi thức trắng cả đêm không ngủ được. Trong lòng đầy uất hận. Đến sáng tôi hỏi, anh nói không làm chuyện gì có lỗi.
"Tùy cô, nghĩ thế nào thì nghĩ, tôi chẳng có gì cả", anh bỏ đi để lại tôi với cơn ức chế đang ngùn ngụt trên đầu.
Tôi có quá nhiều câu hỏi trong đầu muốn anh trả lời nhưng chỉ nhận được những câu từ anh như "em lại sắp bắt đầu rồi đấy" hay "tôi quá mệt mỏi vì cô rồi, cô để tôi yên".
Từ đó tôi không tập trung làm gì được, lúc nào cũng tìm cách kiểm soát anh, đi đâu, làm gì, với ai, lục ví, lục điện thoại để mong tìm được nhiều chứng cứ, đi đến đâu, tôi luôn để ý anh xem có nhìn ai không... rồi lườm nguýt chồng. Khi tức quá, anh hét lên, mắng tôi bị "điên" và nói "xấu hổ vì có người vợ như tôi".
Một hôm, 2 đứa con đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, khóc om tỏi. Anh đã không kiềm chế được nên đã đánh con, được đà tôi bênh con và vợ chồng quay ra cãi nhau. Mọi thứ bắt đầu dần mất kiểm soát. Anh đạp thẳng vào mặt tôi, ghì mặt xuống giường, đấm đá tơi bời. Mắt tôi hoa lên chẳng nhìn thấy gì rồi từ từ tụt xuống, nằm bệt dưới đất.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường, toàn thân ê ẩm đau đớn, sờ vào đâu cũng đau nhức. Soi gương, tôi thấy khuôn mặt mình bầm tím, loang lổ có vết máu. Lúc đó, tôi trở nên điên loạn. Tôi đã chốt cửa lại, rồi lấy rất nhiều đồ để chặn cửa và bắt đầu đập tất cả những gì có trong phòng, từ ảnh cưới cho đến bình hoa. Cắt cả quần áo của chồng thành đống rẻ rách.
Tôi không tin và không chấp nhận sự thật là anh có thể đánh tôi đến như vậy. Tôi mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi hận bản thân mình, hận chồng.
Chị Hà Anh từng muốn tự tử sau cú sốc bị chồng đánh. |
Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho việc tự tử thì ở đâu rất nhiều người đến, họ gõ cửa ầm ầm, gọi tên tôi, tôi cũng không mở. Rồi họ tìm mọi cách để phá cửa. Tôi nghe thấy con tôi khóc la hét "Mẹ ơi, mẹ đừng chết". Rồi mọi người chạy tràn vào, người ôm lấy tôi, người khóc lóc, người dọn dẹp thu đồ.
Sau lần ấy một thời gian dài thì vợ chồng trở lại bình thường. Nhưng cũng kể từ đó, tôi trở lên thu mình lại, ít nói, ít cười và đầu óc trống rỗng, hay khóc một mình. Vợ chồng cũng ít giao tiếp với nhau.
Mỗi lần bước vào căn phòng đó là tôi lại thấy sợ hãi. Đặc biệt là khi nằm xuống giường chỉ cần có tiếng động nhỏ, tôi lại rơi vào trạng thái hôn mê. Toàn thân lúc nóng lúc lạnh. Mê sảng, ảo ảnh, sợ hãi. Tôi đến bệnh viện Bạch Mai, Khoa tâm thần để chữa bệnh. Các bác sĩ nói tôi bị trầm cảm nặng.
Kể từ ngày khám bệnh về tôi suy sụp tinh thần hơn, xấu hổ, tự ti, mặc cảm vô cùng, ít gặp mọi người hơn. Tôi quyết định sẽ ly hôn và trở thành bà mẹ đơn thân. Tôi không còn cảm xúc gì với chồng. Tôi không cảm thấy hạnh phúc khi bên cạnh anh ấy.
Đúng hôm tôi định sẽ xách vali đi thì anh nói hôm nay cả nhà mình đi chơi. Hai đứa con nhẩy lên vui sướng, hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có một ngày thật vui vẻ như vậy. Nhìn cảnh chồng con vui chơi bên nhau tôi không cầm được nước mắt.
Sau chuyến đi chơi đó về tôi bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận lại chính mình. Tôi gác lại chuyện ly hôn để quyết tâm chữa bệnh. Tôi tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn rồi tìm đến các khóa học phát triển bản thân, khóa học tâm lý, rồi còn tập thiền, tập yoga... Tôi nhận ra bản thân mình đã thiếu kỹ năng, chưa biết xử lý các tình huống thấu đáo dẫn tới mâu thuẫn ngày càng cao.
Với bản thân, tôi học cách yêu và trân trọng chính mình. Với chồng, tôi học làm vợ như thế nào cho phù hợp. Tôi chủ động nói điều anh muốn nghe, cho những điều anh muốn nhận. Tôi khen anh nhiều hơn. Thấy anh tủm tỉm cười tôi vui, lại có động lực cố gắng hơn.
Tôi học cách ghi nhận và công nhận những việc anh đã làm dù là nhỏ nhất và anh cũng tích cực khoe công danh thành tích hơn, chúng tôi hút vào nhau trong những câu chuyện. Tôi học nấu ăn, tạo ra những bữa cơm ngon, những món anh thích để níu chân anh ở nhà, ít đi ra ngoài hơn.
Thay vì tôi luôn hỏi tại sao? Tại sao anh đối xử với em như vậy hay tại sao anh lại có thể nói như thế?. Tôi bắt đầu biết hỏi "Làm thế nào?"; "Em phải làm thế nào để anh vui vẻ trở lại? Em phải cho thêm hay bớt đi gia vị nào để vừa khẩu vị của anh?"...
Chị Hà Anh đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc sau khi thay đổi bản thân, khiến chồng cũng thay đổi tích cực. |
Chồng tôi cũng thay đổi rất nhiều sau những điều tôi làm, anh quan tâm vợ con hơn, chủ động hỏi ý kiến vợ khi muốn làm hay mua cái gì, chủ động hỏi vợ trong chuyện chăn gối... Anh cũng dành nhiều thời gian đưa vợ con đi chơi, du lịch, và đặc biệt là không còn cáu gắt khó chịu hay nói to nữa.
Vợ chồng tôi đã thấu hiểu, đã đồng cảm, đã chia sẻ được cho nhau những chuyện lớn bé trong cuộc sống. Thậm chí tình yêu chúng tôi còn nồng nàn hơn rất nhiều cái thời mới yêu nhau. Tôi rất hạnh phúc. Hiện giờ, tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh, tôi không còn dấu hiệu hay triệu chứng gì nữa.
Tôi càng suy ngẫm câu "Bạn muốn có một cây táo to khỏe và những trái táo ngon thì không thể gieo trồng và chăm bón theo cách của một cây ổi được, mà phải theo cách của một cây táo". Và tôi đã có những trái táo ngon mà tôi muốn.
Anh Đặng Trần Thụy, chồng chị Hà Anh, cho hay 10 năm qua là cả một quá trình dài hoàn thiện cuộc sống hôn nhân của anh và vợ. Hai người đã có nhiều thay đổi sau biến cố để có hôn nhân hạnh phúc như hiện tại. Nhắc lại kỷ niệm buồn khi dùng bạo lực với vợ 5 năm trước, anh cho biết: "Ngay sau hành động đó, tôi đã thấy mình hoàn toàn sai. Tôi quá nóng nảy, không kiềm chế được bản thân khiến con quái vật trong người bừng dậy. Tôi đã xin lỗi vợ và mong cô ấy tha thứ. Rất may là hôn nhân của tôi không tan vỡ vì hành động bộc phát này. Bây giờ, nhìn thấy vợ vui vẻ, theo đuổi mơ ước, chia sẻ kinh nghiệm hôn nhân với mọi người, tôi cũng thấy vui, tự hào về cô ấy". |
Hà Anh