Trước nhập viện một tháng, trẻ ho húng hắng, được khám tại địa phương với chẩn đoán viêm đường hô hấp. Gần đây, trẻ xuất hiện ho nhiều, co giật toàn thân, kèm khó thở, được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Kết quả chẩn đoán bé mắc bệnh lao toàn thể, bao gồm lao phổi và lao màng não. Sau 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng em ổn định, dự kiến về nhà vài ngày tới.
Ngày 23/3, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bố của trẻ bị nhiễm lao, do chưa hiểu về nguy cơ bệnh nên đã tiếp xúc gần và lây cho con.
Lao là bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Bệnh lao do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, lây lan khi những người bị bệnh lao phát tán vi khuẩn vào không khí.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, toàn cầu có khoảng 9 triệu ca mắc mới mỗi năm, 10% là trẻ em. Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện và điều trị khoảng 70 đến 80 trẻ mắc lao, chủ yếu là những ca nặng, khó chẩn đoán. "Hầu hết xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, trong vòng 1-2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh", bác sĩ Thảo nói.
Trẻ được tiêm phòng lao tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu
Dấu hiệu bệnh là sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, suy dinh dưỡng, ho, nổi hạch, đau đầu, kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện khi được điều trị.
Theo bác sĩ Thảo, bệnh lao trẻ em có thể chữa khỏi với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều).
Để phòng bệnh, cha mẹ cần dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt ở gia đình có người bị lao. Tiêm vaccine ngừa lao đúng lịch. Khi không may bị phơi nhiễm, các em cần được theo dõi định kỳ tại cơ sở y tế.
Lê Nga