Ngày 23/3, đại diện Bệnh viện Bạch Mai, thông tin cả hai bệnh nhân được bệnh viện ở Hưng Yên chuyển đến.

Người bệnh 73 tuổi có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng sau một ngày giết mổ, ăn thịt lợn ốm. Tại Bệnh viện Hưng Hà, ông được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, tình trạng ngày càng nặng nên được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Tương tự, bệnh nhân 41 tuổi, sau một ngày ăn tiết canh mua tại chợ cũng xuất hiện sốt kèm đau đầu, mệt nhiều. Vài ngày sau, bệnh nhân đau đầu nhiều hơn, vật vã, kích thích nên được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, được chẩn đoán viêm màng não do liên cầu lợn.

Cả hai trường hợp được hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao và chăm sóc toàn diện.

bs-cuong-tham-kham-cho-bn-ha-v-5774-8355-1679560385.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OmlU9q1wFnkOm8paybHNpQ

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Ảnh: Mai Thanh

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết ca bệnh đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc tiêu thụ thịt lợn chưa nấu chín. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện một số nhà hàng dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê để bán, khi xét nghiệm vẫn phát hiện vi khuẩn liên cầu lợn.

Ngoài ra, một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn nhưng mắc bệnh, có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín, hoặc tiếp xúc con vật thông qua các tổn thương, trầy xước trên da.

Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài giờ đến 4-5 ngày. Biểu hiện là sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy khiến nhiều người lầm tưởng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc.

Bác sĩ khuyến cáo vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Do đó, người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không tiêu thụ tiết canh. Khi chế biến, nấu ăn, tiếp xúc với thịt lợn sống, nên đeo găng tay hoặc sử dụng các phương tiện phòng hộ. Nếu có các dấu hiệu nhiễm liên cầu lợn, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ở phía Bắc tiếp nhận nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đầu tháng 3, người đàn ông 52 tuổi làm nghề bán tiết canh nhiễm bệnh, được CDC Hà Nội ghi nhận là ca đầu tiên trên địa bàn trong năm. Vài ngày sau, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Gần đây nhất là hai bệnh nhân ở Nam Định điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bộ Y tế dự báo số ca mắc liên cầu lợn có thể tăng trong thời gian tới do thời tiết chuyển nắng nóng.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022