"Việc để cốc lâu không rửa là thói quen phổ biến ở nhiều hộ gia đình. Đôi khi, chúng ta chỉ rót đầy chiếc ly mà không lo ngại về vấn đề vệ sinh liên quan", Devin Stone, cố vấn sức khỏe tại biōReigns, một công ty chăm sóc sức khỏe, cho biết.

Còn theo tiến sĩ Dung Trinh, người sáng lập Healthy Brain Clinic, cốc uống nước lâu không rửa dễ sản sinh Norovirus, một loại virus dễ lây lan, gây nôn mửa và tiêu chảy, có thể tồn tại trong một tuần hoặc lâu hơn. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus nếu tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm, chạm vào các bề mặt nhiễm khuẩn rồi cho tay chưa rửa vào miệng.

Norovirus gây viêm dạ dày ruột, một số người gọi đây là bệnh cúm dạ dày. Các triệu chứng như tiêu chảy, đau dạ dày và nôn mửa bắt đầu từ 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc nước nhiễm bẩn, thường kéo dài từ một đến ba ngày.

Hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn không cần điều trị. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý khác, nôn mửa và tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng, cần chăm sóc y tế.

Trên toàn cầu, khoảng 685 triệu trường hợp nhiễm Norovirus được báo cáo mỗi năm. Trong số đó, hơn 200 triệu ca là ở trẻ em.

blonde-girl-taking-glass-water-4166-4138-1679558399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jeouiSLWHLYz_2URlk_ctQ

Nhiều người có thói quen để cốc nước ở đầu giường. Ảnh: Freepik

Một số người cho rằng đổ lại đầy nước ngay sau khi uống xong sẽ tránh được vi khuẩn. Tuy nhiên, tiến sĩ Trinh nhận định điều này là hoàn toàn sai lầm.

"Kể cả khi bạn đổ nước sạch vào chiếc cốc đã lâu chưa rửa, vi khuẩn vẫn có thể nhân lên nhanh chóng và nguy hiểm hơn", ông giải thích.

Theo tiến sĩ Stone, Norovirus chỉ là một trong những loại virus khó chịu có thể sống trên cốc nước chưa rửa. Theo thời gian, các vi khuẩn khác có thể tạo ra một quần thể gọi là màng sinh học. Chúng liên kết với nhau chặt chẽ, xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương, dễ gây nhiễm trùng.

Việc để lại nước đọng trong cốc đã rửa thường xuyên cũng gây ra nhiều vấn đề. Bề mặt nước có thể tiếp xúc với bụi bẩn hoặc vi khuẩn, có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau.

Để khắc phục, các chuyên gia khuyến nghị để bình nước nhỏ hoặc chai nước có nắp ở đầu giường. Rửa cốc trong ngày, sau vài lần uống, thay nước trong bình thường xuyên.

"Vi khuẩn cũng có thể phát triển trong nước nếu không thay trong ngày, vì vậy đừng để nước không đậy nắp cạnh đầu giường của bạn", tiến sĩ Stone nói.

Thục Linh (Theo Best Life)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022