Bệnh nhân quê Bắc Giang, cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức ngày 6/3, hôn mê sâu. Sau một ngày điều trị hồi sức tích cực, kỳ tích đã không đến với anh. Bệnh nhân chết não, người vợ quyết định hiến mô, tạng của chồng để hồi sinh những cuộc đời mới.

Các y bác sĩ cúi đầu mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân trước khi phẫu thuật tiếp nhận tim, gan, 2 thận, 2 sụn, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn. Cùng lúc, 4 bệnh nhân nhận tạng ghép đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Người được ghép trái tim là bệnh nhân nữ 53 tuổi, quê Bắc Giang. Gan ghép cho bệnh nhân nam 33 tuổi, ở Ninh Bình. Hai bệnh nhân nam khác, quê Hải Phòng, được ghép thận.

Nửa tháng sau ca ghép, hiện các bệnh nhân đều ổn định sức khỏe. Các mô còn lại được lưu giữ trong ngân hàng mô tạng để chờ ghép cho bệnh nhân phù hợp.

Ngày 23/3, Bệnh viện Việt Đức công bố các ca ghép tạng thành công. PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, cho biết: "Đây là ca hiến đa mô, tạng thứ 100 từ người cho chết não ở Bệnh viện Việt Đức, cũng là ca hiến nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay".

Đây cũng là người chết não thứ 9 quê Bắc Giang hiến tạng. Bắc Giang đang đứng đầu cả nước về số người hiến tạng sau khi chết não tại Việt Nam.

ghep-tang1-3873-1679548337.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UMj2N8VvKRR-mEc6fWYCSQ

Bác sĩ kiểm tra sau ca ghép tạng cho một bệnh nhân, ngày 23/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh viện Việt Đức triển khai kỹ thuật ghép tạng từ năm 2002, với ca ghép thận đầu tiên từ người hiến khỏe mạnh. Năm 2007 bệnh viện lần đầu tiên ghép gan cho người lớn, cũng là ca ghép gan đầu tiên cả nước. Ba năm sau, Việt Đức lần đầu tiếp nhận đa tạng gồm tim, gan, thận, phổi từ người cho chết não để ghép cho các bệnh nhân.

Đến nay, từ 100 người chết não hiến tạng, các bác sĩ đã ghép tim cho 50 người, 80 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi. Nhiều giác mạc, mạch máu, van tim, gân, sụn, dây thần kinh... từ người hiến được lưu giữ và sử dụng.

"Số ca chết não hiến tạng không nhiều nhưng mang ý nghĩa nhân văn rất lớn từ gia đình người hiến", GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói và gửi lời tri ân đến các gia đình hiến tạng người thân.

Theo ông Giang, thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải kỹ thuật khó, mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não. Rào cản lớn là quan niệm của người dân "chết toàn thây", nên việc vận động hiến mô tạng rất khó khăn.

Hiện, nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam rất lớn, song số người hiến lại ít. Đến nay, cả nước có gần 150 trường hợp chết não hiến tạng, riêng Việt Đức 100 ca.

Liên quan định nghĩa "chết não", ông Giang cho biết nhiều người thắc mắc "tim vẫn đập mà bác sĩ lại bảo chết rồi". Thực tế, chẩn đoán xác định chết não là hành động mang tính luật pháp và đạo đức y học. Để xác định một người chết não, một hội đồng gồm nhiều chuyên gia từ các chuyên khoa đánh giá dựa trên những bằng chứng khoa học, kết quả test chết não 3 lần, mới đưa ra chẩn đoán.

"Bệnh nhân chết não là không thể hồi phục, cơ thể đã chết, trái tim đập do thuốc, nếu ngừng hỗ trợ thì sự sống sẽ dừng lại", ông Giang nói, thêm rằng hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, cần được lan rộng.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận khoảng 170.000 đơn đăng ký hiến tạng sau chết, chết não. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.

30 năm qua, Việt Nam có hơn 6.500 ca ghép tạng thành công, trong đó hơn 6.000 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022