Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, giảng viên khoa Tâm lý và khoa học giáo dục, trường Đại học Đại Nam, Phó Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, từng tiếp nhận một thiếu niên lớp 9 ở Nghệ An, đến khám khi có dấu hiệu chóng mặt, ăn ít, hay đau bụng. Gia đình đã đưa em đi khám nhiều bệnh viện, kết quả xét nghiệm các chỉ số máu, nước tiểu, phân đều bình thường.
Phụ huynh cho biết con trai hay kêu mệt, thường xuyên chán ăn, bỏ bữa khiến cân nặng sụt giảm. Ở lớp em ít tập trung khiến việc học suy yếu, dù trong thời kỳ ôn luyện thi cuối cấp.
Khi đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám, bác sĩ Dũng bằng hỏi chuyện và các bài kiểm tra tâm lý - tâm thần, xác định bệnh nhi bị trầm cảm mức độ trung bình. Khai thác kỹ hơn, em cho biết cảm thấy áp lực về bài vở, mỗi ngày thường cố gắng học khuya nên bị mất ngủ.
Bác sĩ nhận định bệnh nhi gặp tình trạng căng thẳng, song bộc phát bằng các dấu hiệu thể chất như rối loạn ăn uống khiến cân nặng sụt, từ đó gây đau bụng, cơ thể suy nhược, chóng mặt - khó khăn trong chẩn đoán. Nếu không phát hiện kịp thời, các triệu chứng về tâm lý có thể xuất hiện sau và nặng lên, như mất hứng thú với sở thích, ngại giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực.
Một bệnh nhân nam khác lớp 7, bên ngoài là một người vui vẻ nhưng đêm thường xuyên mơ thấy ác mộng, học không tập trung khiến kết quả suy giảm. Gần đây, em bị cô giáo phản ánh hay bắt nạt bạn bè, tụ tập bạn xấu, sử dụng thuốc lá.
Khi bố mẹ phàn nàn, em cáu gắt, kích thích. Ban đầu cha mẹ nghĩ đó là "bản tính ương bướng, tò mò bản năng ở tuổi dậy thì", tuy nhiên, khi đưa đến khám tâm lý, phụ huynh bất ngờ nhận chẩn đoán con mắc trầm cảm. Khai thác kỹ hơn, bác sĩ nhận thấy bố mẹ hay so sánh em với chị gái học giỏi, điều này có thể gây ra những bất ổn tâm lý nhưng ẩn bên trong, bộc phát bằng hành vi kể trên.
"Điều này khiến phụ huynh rất khó phát hiện con mắc bệnh. Bởi trầm cảm đặc trưng bằng dấu hiệu trầm buồn, nhưng nam sinh trên vẫn có dấu hiệu vui vẻ, hoạt bát bề ngoài", ông Dũng nói.

Chụp cộng hưởng từ não cho một bệnh nhân. Ảnh minh họa: Pexels
Bác sĩ Dũng cho biết trầm cảm có các biểu hiện đa dạng, trong đó ngoài những triệu chứng thường gặp như buồn, hay khóc, mệt mỏi, mất hứng thú, cách ly bản thân, hay cáu giận; nhiều trường hợp bộc lộ qua các dấu hiệu thể chất, gọi là trầm cảm che giấu hay trầm cảm ẩn (Masked Depression).
Một số bệnh nhân ngủ nhiều hơn, khó thức dậy, ảnh hưởng dinh dưỡng và khẩu vị như chán ăn dẫn đến sụt cân hoặc ăn uống quá đà gây tăng cân bất thường. Các rối loạn này dẫn đến triệu chứng bệnh lý như đau bụng, táo bón, suy dinh dưỡng, chóng mặt, chuột rút - khiến họ nhầm tưởng là mắc bệnh về thể chất.
Trầm cảm cũng có thể gây đau đầu, đau toàn cơ thể mạn tính, không đáp ứng với thuốc. Ở trẻ vị thành niên, kết quả học tập có thể thay đổi, tụ tập bạn bè xấu, tập tành sử dụng chất cấm, làm những hành vi nguy hiểm, quá giới hạn, hoặc "dính" chặt lấy bạn, dễ bị kích thích và có hành vi tiêu cực.
Những hành động như bắt nạt bạn bè cũng được coi là che đậy cảm giác buồn bã, cô đơn do trầm cảm đem lại. Trầm cảm và căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực lên hệ miễn dịch, khiến bạn sẽ nhạy cảm hơn với tình trạng nhiễm trùng và các tình trạng bệnh tật khác.
Nghiên cứu trên NCBI cho thấy 69% bệnh nhân trầm cảm đến khám gặp nhiều dấu hiệu bất thường thể chất. Các triệu chứng thể chất càng nặng thì chứng trầm cảm càng nghiêm trọng. Tỷ lệ bệnh nhân có ý định tự tử cao được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc chứng đau dai dẳng. Các chuyên gia lý giải khi bệnh nhân trầm cảm bị rối loạn dẫn truyền thần kinh có thể bị mất cân bằng serotonin và norepinephrine, gây ra triệu chứng đau về thể chất và tinh thần.
Tương tự,theo NHS, các triệu chứng của trầm cảm lâm sàng có thể phức tạp và khác nhau ở mỗi người. Bệnh khiến cơ thể thiếu năng lượng, ham muốn tình dục thấp hoặc mất, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó là các triệu chứng xã hội như học tập không tốt, ít tham gia các hoạt động, bỏ bê sở thích bản thân.
Bệnh nhân khi mắc trầm cảm có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, nhưng thường trải qua nhiều đợt, điều trị lâu dài, tốn kém thời gian, tiền bạc, lây lan tâm lý tiêu cực tới những người xung quanh, sinh tác hại "kép", theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan. Do đó, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời rất quan trọng, theo chuyên gia. Một nghiên cứu từ Bộ Y tế năm 2023 cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên (10-17 tuổi) ở Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5% phụ huynh xác định trẻ cần giúp đỡ về các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Bệnh nhân cần được điều trị tất cả triệu chứng, bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần bằng liệu pháp tâm lý, thuốc. Tác dụng kép này mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong việc chống lại chứng trầm cảm và ngăn ngừa sự dai dẳng hoặc tái phát.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo sự thay đổi trong tâm lý tuổi vị thành niên là một phần bình thường của quá trình trưởng thành nhưng không bao giờ được coi nhẹ. Cha mẹ cần dành thời gian cho con để phát hiện kịp thời những dấu hiệu cảnh báo, đưa đến viện sớm.
Thúy Quỳnh