Đêm nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan thực hiện. Bên cạnh các lãnh đạo cấp cao trong nước, chương trình có sự tham dự của nhiều đại biểu quốc tế: Tổng Bí thư, chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Phó chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa, Bộ trưởng Bộ các vấn đề quân nhân xuất ngũ Bùi Kim Giai và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước CHND Trung Hoa.
Tên chương trình lấy cảm hứng ngày 30/4/1975 - dấu mốc của mùa xuân thắng lợi, hòa bình, độc lập và tự do. Nửa thế kỷ đã qua, nhưng hào khí ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhiều thế hệ người Việt. Thời điểm lịch sử từng nhà thơ Bằng Việt từng miêu tả: "Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ/ Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi vẫn cứ nghĩ như mơ".
Trong bài phát biểu mở màn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nói: "Mùa xuân thống nhất là nơi tiếng hát được vang lên từ quá khứ, vọng về hiện tại và ngân mãi trong tương lai". Ông gửi lời cảm ơn nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng nhắc đến bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình - nhạc phẩm đang rất thu hút giới trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khẳng định nhân dân sẽ cùng nhau viết tiếp bản hùng ca cho tương lai.

Liên khúc ca cổ (Hoàng Song Việt) và ''Mặt trời trong bóng tối'' (Hứa Kim Tuyền) - nhạc phim ''Địa đạo'', trong chương trình "Mùa xuân thống nhất". Video: VTV
Trong hai tiếng, chương trình hài hòa những ca khúc cách mạng kinh điển với những tác phẩm mới thu hút giới trẻ, như một gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các hoạt cảnh đan xen với phần trình diễn nghệ thuật, gợi nhớ những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đó là giai đoạn sau năm 1954 với hiệp định Geneve, đất nước bị chia cắt. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người từng chứng kiến cảnh người bên này sông chiều chiều trông ngóng người thân ở bên kia sông, đã viết lên Câu hò bên bờ Hiền Lương. Ca khúc, qua giọng hát nghệ sĩ Thu Hiền, gợi nhớ những năm "Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ". Cải lương - giai điệu đặc trưng của phương Nam - cũng xuất hiện ở phần mở đầu - với bài Ở hai đầu nỗi nhớ, được nhiều khán giả hưởng ứng.

Các nghệ sĩ Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, cầu thủ Hồng Sơn biểu diễn ca khúc ''Niềm tin chiến thắng''. Video: VTV
Âm hưởng hào hùng trải dài qua nhiều tiết mục như Giải phóng miền Nam (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), Đường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối), Xuân chiến khu (Xuân Hồng), Bài ca năm tấn (Nguyễn Văn Tý).
Các tác phẩm thể hiện tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Trong vai trò hậu phương, nhân dân miền Bắc "thắt lưng buộc bụng", "Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai". Những đoàn quân nối tiếp lên đường, những chuyến hàng ngày đêm xuôi vào Nam bất chấp bom đạn.
Tinh thần của mùa xuân Mậu Thân 1968 được gợi nhắc qua lời chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".

Mô hình xe tăng tiến lên sân khấu, tái hiện cảnh húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Trong khi cả nước đón năm mới, ở chiến trường miền Nam, các chiến sĩ vẫn âm thầm chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Đêm trước giờ xuất quân, dưới ánh đèn dầu leo lét, từng người lặng lẽ lau súng, sắp xếp lại ba lô, kiểm tra từng viên đạn, từng lá thư gửi về hậu phương. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm ấy đã gây chấn động nước Mỹ, làm đảo lộn chiến lược của đối phương và tạo ra làn sóng phản đối chiến tranh mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tác phẩm Mặt trời trong bóng tối (nhạc phim Địa đạo, Hứa Kim Tuyền) được dàn dựng sinh động, với hình ảnh các chiến sĩ chiến đấu trong bóng tối với quân địch.

Ca sĩ Hòa Minzy hát "Xuân chiến khu" (nhạc sĩ Xuân Hồng).
Khí thế của mùa xuân năm 1972 với cuộc tổng tiến công từ thành cổ Quảng Trị đến trận Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội, được truyền tải qua loạt ca khúc Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước). Và mùa xuân ba năm sau, cả dân tộc cùng ca vang Đất nước trọn niềm vui (nhạc sĩ Hoàng Hà). Đó là mùa xuân mà nhà thơ Tố Hữu từng miêu tả: "Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa".
Ca sĩ Uyên Linh gây xúc động khi hát Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), khúc nhạc tri ân những người đã ngã xuống cho hòa bình. Tác phẩm mang hoài niệm về những đau thương "không thể nào quên".
Phần hai của chương trình - Mùa xuân của hòa bình - rộn ràng với tiếng hát của Tự Long, Soobin, danh thủ Hồng Sơn, Jun Phạm (Niềm tin chiến thắng - Lê Quang), Tạ Quang Thắng (Lá cờ). Chương cuối - Mùa xuân của kỷ nguyên mới - gợi mở những hy vọng về một Việt Nam hùng cường, được thể hiện qua ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình, Khát vọng người Việt, do nhóm MTV, các nghệ sĩ Anh trai say hi, biểu diễn với tinh thần trẻ trung, tươi mới.

Cuối chương trình, Tổng bí thư Tô Lâm (hàng đầu, thứ sáu từ trái qua), cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước lên sân khấu hòa giọng "Như có Bác trong ngày đại thắng" (nhạc sĩ Phạm Tuyên), bên dàn nghệ sĩ.
Chương trình gây ấn tượng với khán giả nhờ dàn dựng quy mô, khơi gợi cảm xúc hàng chục nghìn người xem. Khán giả có mặt sớm từ đầu giờ chiều, mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm trên tay quốc kỳ, cổ vũ các nghệ sĩ. Những người không có vé đứng xung quanh hàng rào bảo vệ sân khấu ngoài trời ở công viên Sáng Tạo TP HCM. Các tiết mục sôi động như Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn diễn ra trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả. Ở bài Đất nước trọn niềm vui, mô hình hai chiếc xe tăng tiến lên sân khấu, tái hiện cảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Sau mỗi màn trình diễn, ban tổ chức đều bắn pháo hoa, pháo sáng.
Hà Thu - Hoàng DungẢnh: Minh Hoàng