"Tỷ lệ vô sinh đang tăng nhanh, mức sinh tại Việt Nam ngày càng giảm, song chi phí điều trị hiếm muộn vẫn là gánh nặng rất lớn với nhiều gia đình", bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, nói tại chương trình về chính sách phúc lợi dành cho nhân viên thực hiện hỗ trợ sinh sản, chiều 23/7.

Ths-BS-Ho-Ma-nh-Tu-o-ng-To-ng-4661-5700-1721739905.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uEtrxEPwEVfXb4APK26TFQ

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường chia sẻ tại chương trình về chính sách hỗ trợ sinh sản, chiều 23/7. Ảnh: Minh Thư

Tổ chức Y tế thế giới ước tính cứ 6 cặp vợ chồng thì có một gặp khó khăn trong vấn đề có con. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế, khoảng 7,7% dân số bị vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo bác sĩ Tường, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn trên thế giới cũng như Việt Nam tăng nhanh vì xu hướng lập gia đình trễ, có con trễ. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam tăng dần những năm qua, hiện ở mức 27,2, riêng TP HCM đã vượt 30. Ở những nước đang phát triển, vô sinh còn tăng do ô nhiễm môi trường, sự căng thẳng trong đời sống, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Việt Nam đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, mang lại hiệu quả cao. 26 năm qua, cả nước có khoảng 150.000 trẻ chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ điều trị thành công ngày càng tăng, lên đến 70%.

So với tỷ lệ vô sinh, số được điều trị của nước ta vẫn còn rất thấp, phần lớn là từ rào cản chi phí điều trị, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca. Trong khi năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng.

mo-t-bu-o-c-trong-quy-tri-nh-t-7206-7102-1721739905.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kxCPdz-Vf2MASWkt-qD5lQ

Điều trị hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước đây, Việt Nam có chính sách giảm sinh, việc điều trị hiếm muộn không được bảo hiểm y tế chi trả. Những năm gần đây, mức sinh xuống thấp, góp phần khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nhiều địa phương đang tích cực khuyến sinh, song chưa có hiệu quả. Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM kỳ vọng thời gian tới, sẽ có những thay đổi về chính sách, sự chi trả của bảo hiểm y tế như nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á, giúp nhiều cặp vợ chồng mong con có cơ hội tiếp cận điều trị.

Bác sĩ Tường khuyến cáo các cặp đôi trước khi lập gia đình nên kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu có bất thường về sinh sản, nên điều trị càng sớm càng tốt, bởi "thời gian là yếu tố rất quan trọng". Sau tuổi 30, khả năng sinh sản sẽ giảm dần. Kết quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào tuổi của người phụ nữ. Điều trị sớm, hiệu quả sẽ tốt hơn, tăng cơ hội có những đứa con khỏe mạnh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022