Ngày 24/7, một tuần sau ca mổ lớn, bệnh nhân tỉnh táo, đi lại vận động được, không yếu liệt, chưa ghi nhận di chứng não như lo ngại.

BS.CK2 Nguyễn Đỗ Nhân, Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, cho biết người đàn ông được bệnh viện quận 12 chuyển tới, sau khoảng 30 phút bị đâm, mạch huyết áp không đo được. Vết thương cổ trái dài khoảng 6 cm, gây phù nề biến dạng cổ, chèn ép khí quản. Bệnh nhân mê sâu, đồng tử co nhỏ - dấu hiệu của tổn thương não nặng, tiên lượng tử vong.

Kíp trực báo động đỏ, hội chẩn nhiều chuyên khoa. Các bác sĩ xác định tổn thương vùng cổ rất phức tạp, quyết định mổ khẩn. Bệnh nhân bị rách động mạch cảnh - động mạch lớn nhất dẫn máu lên nuôi não. Vết dao đâm từ phía sau ra trước còn làm tổn thương tuyến giáp, khí quản.

"Thay vì mổ theo đường mổ cạnh vết thương ở phía sau như bình thường, ê kíp quyết định đi nhanh đường mổ từ phía trước", bác sĩ Nhân nói. Kỹ thuật này khó hơn, song giúp tiếp cận ngay động mạch cảnh, kiểm soát và xử trí tổn thương nhanh nhất có thể để cứu não. Nếu mất thời gian càng nhiều, não sẽ thiếu máu, rất khó hồi phục.

Cuộc mổ bắt đầu lúc 2h sáng, kết thúc lúc gần 7h. Bên cạnh khâu phục hồi được động mạch cảnh, xử trí các tổn thương, bác sĩ còn phải khẩn trương kiểm soát, lấy máu đông, không để trôi vào não gây nguy hiểm.

Sau mổ 60 phút, bệnh nhân tỉnh, tự thở khí trời, ngồi dậy chủ động, thực hiện đúng các y lệnh.

ba-c-si-nha-n-1721801487-9190-1721801630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9N8WX6X6lLFdcoAwSD9b3w

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân, ngày 24/7. Ảnh: Lê Phương

Gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều các ca vết thương vùng cổ. Đây là vùng chứa nhiều cơ quan quan trọng, nếu tổn thương dễ khiến bệnh nhân dễ rơi vào ngất, hôn mê, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp này, bệnh nhân "đã bước một chân vào cửa tử", may mắn sống sót nhờ vào viện kịp thời, được phối hợp xử trí khẩn cấp, giải quyết sớm các tổn thương bằng lựa chọn đường mổ thích hợp, giúp phục hồi tổn thương não.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022