Trong giai đoạn mới của đại dịch, nhiều người mắc Covid-19 tới hai, ba lần và coi đó là điều bình thường. Omicron và các biến chủng phụ dễ lây lan, chứa các đột biến trốn tránh miễn dịch, khiến tái nhiễm trở thành hiện tượng phổ biến. Các chuyên gia cảnh báo BA.5 và biến chủng phụ mới BA.2.75 (xuất hiện tại Ấn Độ) có thể lây lan cho cả người từng nhiễm virus tương đối gần đây.
Triệu chứng nhẹ hơn lần đầu
Nếu đã tiêm vaccine được tiếp xúc với nCoV trước đây, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả vào những lần tiếp theo, khiến các triệu chứng nhẹ hơn.
Tiến sĩ Jeffrey Cohen, trưởng phòng thí nghiệm Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Mỹ, cho biết các yếu tố này làm giảm đáng kể khả năng chuyển nặng hoặc tử vong sau nhiễm bệnh.
Dù vậy, miễn dịch có thể suy giảm. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science vào tháng 6, ở các nhân viên y tế đã tiêm ba mũi vaccine, kháng thể, tế bào T và các phản ứng miễn dịch khác không còn hiệu quả sau khi tái nhiễm Omicron.
"Nhiễm Omicron không phải cách tốt để tăng cường phản ứng miễn dịch. Các phân tích cho thấy nhiễm Omicron trong đợt đầu tiên chưa chắc an toàn trước BA.4, BA.5 và các chủng tiếp theo, Đây có thể là lý do tại sao nhiều người nhiễm đột phá và tái nhiễm", Rosemary Boyton, giáo sư về miễn dịch học và y học hô hấp tại Đại học Imperial London, nhận định.
Nguy cơ ở cả người có triệu chứng nhẹ
Các chuyên gia cho rằng tái mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ vẫn có thể để lại hậu quả. Nghiên cứu cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ tử vong, nhập viện và gặp di chứng không nhỏ. Họ có thể bị suy nội tạng, tim mạch, gặp vấn đề về thần kinh, tiểu đường sau mắc bệnh.
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, giáo sư trợ lý tại Đại học Y khoa Washington, cho biết nhiễm bệnh lần hai có thể không nặng hơn lần đầu tiên, song nguy cơ tổn hại sức khỏe chồng chất theo thời gian.
Nhiều bệnh nhân tái nhiễm không có triệu chứng nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng phát triển các vấn đề sức khỏe mạn tính, còn gọi là Covid-19 kéo dài. Đây từ lâu là vấn đề đáng sợ, có thể xảy ra cả với người đã được tiêm chủng đầy đủ, người mắc bệnh nhẹ.
Dữ liệu liên bang Mỹ cho thấy khoảng một phần 5 người trưởng thành nhiễm nCoV sẽ phát triển các triệu chứng kéo dài, bao gồm mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức, đau mỏi mạn tính,...
Tiến sĩ Cohen cho biết chưa rõ liệu ai là đối tượng có khả năng phát triển di chứng sau lần mắc bệnh thứ hai, song đã có nhiều trường hợp ghi nhận tình trạng này.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Lyon, Pháp. Ảnh: AFP
Phòng tránh tái nhiễm nCoV
Các chuyên gia cho biết phòng tránh lây nhiễm nCoV luôn là điều cần thiết, trong bất cứ giai đoạn nào của đại dịch. Họ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang đủ chất lượng khi ở trong không gian kín, cải thiện hệ thống thông gió trong nhà, yêu cầu người dân xét nghiệm nhanh trước khi tụ họp và tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có chiến lược về sức khỏe cộng đồng toàn diện đối với các biến chủng mới như BA.5, việc tránh mắc bệnh điều là điều khó khăn. Tiến sĩ Cohen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công cụ mới, chẳng hạn vaccine đa chủng, bảo vệ người dùng trước tất cả các biến chủng virus hiện tại và tương lai.
Một số chuyên gia cũng hào hứng với ý tưởng vaccine dạng xịt dễ sử dụng, hy vọng làm chậm quá trình lây truyền bằng miễn dịch tại nơi virus xâm nhập cơ thể (mũi và cổ họng). Cả hai sản phẩm đang được phát triển, song chưa sẵn sàng để phân phối ra công chúng.
Giáo sư Boyton nhận định giảm số lần tái nhiễm quan trọng đối với sức khỏe của cá nhân và cả cộng đồng. Người dễ tổn thương về mặt y tế, người bị suy giảm miễn dịch vẫn có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao, dù đã tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, virus sẽ tiếp tục đột biến khi còn lây lan. "Nếu bạn cho phép một loại virus lưu hành trong cộng đồng đã tiêm chủng quá lâu, ở mức lây truyền cao, nó có thể đột biến thành chủng nguy hiểm hơn", giáo sư Boyton cảnh báo.
Thục Linh (Theo Time)