Thời gian qua, các câu chuyện đau lòng về việc trẻ em bị bạo hành đã khiến nhiều người xót xa. Nạn nhân là những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi. Dù bị bạo hành dưới nhiều hình thức khác nhau song các nạn nhân đều bị chung một hậu quả đó là bị sang chấn tâm lý, khủng hoảng về mặt tinh thần hoặc nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác về sau.
Mới đây nhất là vụ bé trai 3 tuổi ở Hà Nam bị hàng xóm bạo hành, nhốt vào tủ đông đã khiến dư luận phẫn nộ. Dù may mắn không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, nhận định về vấn đề sức khỏe tinh thần của cháu bé, các bác sĩ cho biết, sau sự cố này, chắc chắn vấn đề tâm lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí – Trung ương Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, trẻ bị bạo hành không chỉ chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Ảnh minh họa
Ngoài việc bị bạo hành, một số yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ gồm: Bị lạm dụng tình dục, bị cướp trói, nhốt trong hầm tối, trong rừng, bị tra tấn, khủng bố, bị bắt cóc, thoát chết sau tai nạn lật xe, chìm tàu, cháy nổ, ngã từ trên cao, bị đuối nước, bị xe cán, hoặc chứng kiến các sự kiện khủng khiếp như: Người thân qua đời, bị tai nạn, chứng kiến người thân, bạn bè tự tử; mất đột ngột một phần cơ thể...
Theo BSCKI Thành Ngọc Minh - Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường, trẻ giao tiếp bằng cả lời nói và cử chỉ. Tuy nhiên, sau khi gặp phải các sang chấn, trẻ có thể bị rối loạn tâm lý, từ đó không giao tiếp bằng cả hai. Một số trường hợp khác, trẻ chỉ giao tiếp bằng các ám hiệu.
Mặt khác, sau những sự cố khủng hoảng, trẻ hay có biểu hiện cảnh giác quá mức; trẻ dễ giật mình; mệt mỏi, kiệt sức; ngủ không yên giấc. Cùng với đó, trong nhận thức, trẻ thường có những suy nghĩ và ký ức về sự cố đã xảy ra (dù không muốn), hình dung về sự kiện cùng những cơn ác mộng; mất định hướng, nhầm lẫn…
Hơn nữa, trẻ thường có xu hướng né tránh những địa điểm và hoạt động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn, né tránh tiếp xúc hoặc cách ly về mặt xã hội, mất hứng thú trong các hoạt động thường nhật.
Làm gì để giúp trẻ ổn định tâm lý?
BS Thành Ngọc Minh cho biết, so với người lớn, hầu hết trẻ em gặp rối loạn stress sau sang chấn sẽ có những biểu hiện nhẹ hơn, thời gian để "chữa lành" cũng nhanh hơn. Song, trẻ cần được điều trị và phát hiện kịp thời.
Nếu để tình trạng này kéo dài, bên cạnh việc hạn chế ngôn ngữ còn có thể gây ra các xung đột quá mức, khiến trẻ lầm lì, cục cằn trong ứng xử. Khi rơi vào trạng thái rối loạn ngôn ngữ có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, từ đó trở thành các bệnh lý, khiến trẻ nghiện game, trầm cảm…
Do đó, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, sau khi gặp sự cố, trẻ cần có người thân túc trực bên cạnh để can thiệp kịp thời nếu trẻ có những biểu hiện bất thường. Đối với trẻ nhỏ, người lớn cần động viên cho bé bình tĩnh lại, gần gũi, an ủi, vuốt ve âu yếm trẻ. Luôn động viên và làm cho bé hiểu rằng bố mẹ luôn yêu thương quan tâm đến bé, luôn ở bên cạnh để bé cảm thấy an lòng và tin cậy, giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn.
Bên cạnh đó, tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó. Điều cần thiết nhất là cần tôn trọng phản ứng của trẻ. Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại hay vô tình "làm mới" ký ức đau buồn của trẻ, tránh ruồng bỏ, khinh thường trẻ.
Ngoài những việc trên, sau khi trải qua sự cố, người lớn cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước. Giúp trẻ giảm dần nỗi sợ hãi bằng cách tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục, tham gia các công việc hàng ngày.
Trường hợp trẻ có nhiều biểu hiện sang chấn tâm lý, sợ hãi tăng dần, người lớn có thể tìm đến sự hỗ trợ chăm sóc từ các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia tâm lý để giúp trẻ sớm có thể ổn định tinh thần, thích nghi và hòa nhập cuộc sống bình thường.