Trong nửa đầu năm, Nhật Bản chỉ ghi nhận 350.000 ca sinh, thấp nhất kể từ năm 1969. Dữ liệu được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố hôm 30/8. Tốc độ giảm sinh trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tiếp tục giảm sinh, số ca sinh cả năm (không bao gồm người nước ngoài đang sống tại Nhật Bản) sẽ lần đầu xuống dưới 700.000.

Số cặp đôi kết hôn tính đến tháng 6 năm nay cũng giảm 1,8% so với một năm trước đó, còn 491.462 cặp. Số ca tử vong ở giai đoạn này tăng 1,8%, lên 811.000 ca, khiến dân số tự nhiên giảm hơn 461.000 người. Năm 2023, số ca sinh ở Nhật Bản, không bao gồm người nước ngoài dừng ở mức 727.000, thấp nhất được ghi nhận.

Dân số giảm có thể dẫn đến sự sụp đổ của các doanh nghiệp, dịch vụ công cộng địa phương do thiếu nhân lực và người tiêu dùng. Xu hướng này cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống an sinh xã hội, chẳng hạn hệ thống y tế và lương hưu.

Chính phủ coi giai đoạn hiện tại đến đầu những năm 2030 là cơ hội cuối cùng để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước. Giới chức đã cam kết thực hiện những biện pháp chưa từng có để giải quyết vấn đề này.

2b7e83f5-c237-4e2e-ad28-0f838a-2106-2368-1725208013.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s_H3QFL9KyYyGdPLn4_KYA

Togoshi Ginza, một con phố mua sắm ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP

Thượng nghị sĩ Masako Mori, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về tỷ lệ sinh và LGBT, cho biết nước này có nguy cơ "biến mất" nếu không hành động kịp thời. Theo bà, hệ thống an sinh xã hội sẽ sụp đổ, sức mạnh kinh tế và công nghiệp suy giảm và lực lượng phòng vệ Nhật Bản không thể tuyển thêm quân để bảo vệ đất nước.

Thủ tướng Kishida Fumio muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Ông thành lập một cơ quan chức năng mới vào tháng 4 để tập trung vào vấn đề này.

Hồi tháng 1, trong cuộc họp với các nhà lập pháp, ông nói: "Khi nghĩ đến sự bền vững và toàn diện của nền kinh tế xã hội, chúng ta nên đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ làm chính sách quan trọng nhất".

Nhìn chung, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm khi quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và điều kiện sống tốt hơn.

"Khi mức sống được cải thiện làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng hiểu được con cái họ sẽ lớn lên, khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành. Điều này khiến họ quyết định sinh ít con hơn", các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đông - Tây cho biết.

Thục Linh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022