Ngày 17/7, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết bệnh nhân nhập viện khi ba ngày liên tiếp không chợp mắt, cơ thể suy nhược, chân tay run, vã mồ hôi.

Người đàn ông chia sẻ từ khi được thăng chức trưởng phòng, anh luôn nghĩ về công việc, chăm chỉ lao động để "chứng minh năng lực với cấp trên, thể hiện với cấp dưới". Mỗi ngày, anh đều thức đến 1-2 giờ sáng, có hôm không về nhà, ngủ luôn tại cơ quan.

Không những vậy, bệnh nhân gần như bỏ các nhu cầu, sở thích của bản thân, không hứng thú giao tiếp với người thân, chán ăn. Vài tháng gần đây, anh bị mất ngủ, luôn lo lắng, hồi hộp, chất lượng sống giảm sút. Người bệnh được kê đơn thuốc, kết hợp trị liệu tâm lý, kèm lời khuyên nên điều chỉnh công việc để giảm áp lực.

Trường hợp khác 32 tuổi, được thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, tư vấn nhập viện điều trị khi có biểu hiện trầm cảm do làm việc quá nhiều. Anh là nhân viên ngân hàng, thường xuyên bị cấp trên thúc ép về KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc).

Ban đầu, anh gồng mình, "dẹp" các sở thích cá nhân sang một bên để tập trung hoàn thành. Lâu dần, anh bị ám ảnh với các chỉ tiêu, làm việc 15-16 tiếng/ngày trong thời gian dài như một thói quen. "Tôi nghĩ đến công việc cả trong giấc mơ. Nếu không có, tôi cảm thấy trống rỗng, không có hứng thú với bất cứ điều gì khác", anh nói.

Khi mất ngủ, anh tìm đến rượu bia để dễ vào giấc, dẫn đến đầu óc bị căng thẳng, cơ thể suy nhược, xuất huyết dạ dày. Bệnh nhân tự làm đau bản thân để giải tỏa, được chuyên gia tâm lý chẩn đoán trầm cảm.

14a398f8a540071e5e51-172118296-4728-9854-1721185948.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WgdJ1ec1uyYbqtah1A68dg

Một bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, Ảnh: Phương Thảo

Chứng nghiện công việc, hay "workaholism", ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại, là tình trạng một người cảm thấy cần thiết phải làm việc một cách cực độ, đến mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân.

Theo bác sĩ Thu, nhiều người ban đầu có thể do bị thúc ép, phải dẹp bỏ nhu cầu cá nhân để gồng mình hoàn thành công việc được giao, lâu dần trở thành thói quen, giống như "cái máy", lao động quá sức liên tiếp trong thời gian dài. Một lý do khác là người làm việc chăm chỉ hay được tuyên dương cả về vật chất lẫn tinh thần, trở thành hình mẫu lý tưởng để các nhân viên khác phấn đấu, nỗ lực... càng khiến họ không thể rời công việc.

Dấu hiệu cho thấy một người nghiện việc như thường xuyên làm nhiều hơn 14 giờ một ngày, ôm đồm quá nhiều, đôi khi quá sức để quên đi cảm giác cô đơn, trống rỗng, không yên tâm khi để người khác làm thay. Công việc trở thành ưu tiên hàng đầu, bỏ qua các hoạt động cá nhân, gia đình và xã hội. Ngay cả khi không làm, họ vẫn thường xuyên nghĩ đến và cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, đặc biệt là cảm giác tội lỗi.

Người mắc chứng nghiện việc nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe như mất ngủ, mệt mỏi, dạ dày, lo âu và trầm cảm. Sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân cũng dẫn đến mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Nhiều trường hợp không có thời gian cho bản thân, gia đình, con cái, các mối quan hệ xã hội, dần dần thành cô đơn. Khi ngừng làm việc, họ cảm thấy cô đơn, trống rỗng, nên lại tiếp tục "nghiện việc" để giải tỏa, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Bệnh nhân nghiện việc thường được điều trị bằng liệu pháp tinh thần kết hợp với thuốc, quan trọng nhất cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh hợp lý. Bạn cần đặt ra khoảng thời gian làm việc nhất định trong ngày và tuân thủ đúng thời gian biểu, điều này giúp cơ thể làm quen với việc giải lao, thư giãn đầu óc. Cùng với đó, lên kế hoạch đi dạo, thiền hoặc ăn tối với người thân sau giờ làm. Việc tạo ra một thói quen mới sẽ giúp bạn quên đi sự ám ảnh của công việc ở cơ quan.

"Bản thân con người cũng không phải là cái máy vĩnh cửu, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp mỗi người hạnh phúc hơn, tràn đầy năng lượng để đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc", bà Lan cho hay.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022