Thông báo được các bác sĩ tại NYU Langone Health đưa ra ngày 10/7. Trước đó, Pisano được phẫu thuật cấy ghép thận lợn biến đổi gene và đặt máy bơm tim cơ học vào tháng 4. Ban đầu, người phụ nữ hồi phục tốt. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Robert Montgomery, trưởng kíp mổ, việc quản lý cả máy bơm tim và quả thận mới "có những thách thức đặc biệt". Để lượng máu đến thận được tối ưu, huyết áp Pisano giảm xuống thấp, nhiều lần trong ngày. Vì vậy, quả thận bị mất chức năng, bác sĩ không thể tiếp tục cho bà dùng thuốc ức chế miễn dịch.

47 ngày sau ca phẫu thuật, các bác sĩ phải cắt bỏ thận lợn và để Pisano lọc máu trở lại vì cơ quan này bị tổn thương do thuốc. Dù đã lọc máu và bơm tim, bệnh nhân vẫn phải vào khoa chăm sóc cuối đời, cuối cùng tử vong, bác sĩ Montgomery cho biết.

Ông ca ngợi sự dũng cảm của Pisano vì đã cố gắng thực hiện ca phẫu thuật thử nghiệm cấy ghép khác loài. Mục tiêu của các nhà khoa học là khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ quan nội tạng nghiêm trọng, đang xảy ra ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

"Lisa đã đưa chúng ta đến gần hơn với một tương lai nơi bệnh nhân này không cần chết để bệnh nhân khác được sống. Bà ấy sẽ mãi mãi được nhớ tới vì lòng dũng cảm và bản chất tốt đẹp của mình", Montgomery mói.

a019fced91a2ca54444b4374445233-8970-5125-1720596295.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3YI19PlzZj_eIWwvjOpybA

Lisa Pisano sau ca phẫu thuật tại NYU Langone Health ở New York, 22/4. Ảnh: AP

Hồi tháng 4, Pisano chia sẻ, bà biết thận lợn có thể không hoạt động, nhưng vẫn "nắm lấy cơ hội". "Bạn biết đấy, trường hợp xấu nhất, nếu nó không hiệu quả với tôi, nó sẽ hiệu quả với người khác", bà nói.

Pisano là bệnh nhân thứ hai trên thế giới được ghép thận từ một con lợn chỉnh sửa gene. Người đầu tiên là Richard "Rick" Slayman, được cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và qua đời vào đầu tháng 5. Bác sĩ cho biết ông chết vì bệnh tim mắc từ trước, không phải kết quả của việc cấy ghép.

Hiện có hơn 100.000 người nằm trong danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ, hàng nghìn người đã chết trong thời gian chờ đợi. Một số công ty công nghệ sinh học đang chạy đua biến đổi gene lợn, giúp cơ quan này giống với người hơn, ít gặp tình trạng thải ghép (hệ miễn dịch tấn công).

Ngoài hai ca ghép thận lợn, Đại học Maryland còn cấy ghép tim lợn cho hai người đàn ông. Cả hai đều qua đời trong vài tháng. Dù vậy, các bác sĩ vẫn học được nhiều điều từ các ca phẫu thuật. Họ sẽ chính thức thử nghiệm lâm sàng vào năm tới cho những người không bị bệnh nặng.

Thục Linh (Theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022