Vẻ ngoài, bà Phạm Thị Lũng Hà nhìn trẻ trung hơn tuổi với mái tóc đen ngắn, làn da hồng hào, sức khỏe dẻo dai. Người phụ nữ mỗi ngày luôn tay luôn chân với các công việc nội trợ. Không ai nghĩ bà đã chiến đấu với ung thư trực tràng 7 năm qua bởi sự năng động và tinh thần lạc quan.

Giữa tháng 5/2017, bà Hà phát hiện ung thư trực tràng ở bệnh viện địa phương từ dấu hiệu đại tiện ra máu, dù sức khỏe trước đó bình thường. Thời điểm đó, bà nghĩ bản thân bị trĩ nên tự mua lá diếp cá về xông theo quan niệm dân gian, nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Thấy sức khỏe không ổn, bà quyết định lên Hà Nội kiểm tra xác định. Kết quả nội soi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện phần trực tràng có khối u, sinh thiết ung thư giai đoạn 3A - xâm lấn đến các hạch bạch huyết cạnh đó, nhưng vẫn chưa lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể.

"Tôi hay đọc thông tin về y học nên hiểu bệnh ung thư phải chữa sớm và kịp thời, do đó không hoang mang mà rất tin tưởng vào y học hiện đại", bà Hà nói. Người phụ nữ quyết định nhập viện và tuân thủ điều trị. Cuối tháng 5, bà được chỉ định mổ nội soi, đeo hậu môn nhân tạo tạm thời để vệ sinh đường ruột và sẽ nối lại ruột sau 4 tháng.

Hoàn cảnh gia đình bà Hà khá đơn chiếc, chỉ có hai vợ chồng già nương tựa nhau tại Hải Phòng. Con trai lớn của ông bà sống một mình ở Hà Nội, gia đình con trai út định cư miền Nam. Do đó, việc chữa bệnh hiểm nghèo của bà chỉ còn trông chờ vào hai người đàn ông: người chồng gần 80 tuổi và con trai cả gần 50 tuổi.

Với bà Hà, hình ảnh hai người đàn ông túc trực và chờ đợi để đưa bà về phòng hậu phẫu, chăm sóc tận tình bất kể ngày đêm, luôn in đậm trong tâm trí. Nhờ đó, bà lạc quan chữa bệnh, cũng như quyết tâm rèn luyện để sức khỏe ổn định và ngày một tốt hơn.

Các nghiên cứu cho thấy tinh thần tích cực đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với ung thư. Các bác sĩ cho rằng điều quan trọng là bệnh nhân không được bỏ bê sức khỏe tinh thần của mình vì các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa tâm lý tích cực và khả năng sống sót tốt hơn. Cụ thể, tâm lý và tinh thần tích cực sẽ tác động trực tiếp đến việc tuân thủ các phương pháp điều trị cũng như các lần tái khám với bác sĩ, xây dựng lối sống lành mạnh, giúp chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Sau mổ, bà Hà được chỉ định điều trị theo phác đồ FOLFOX, hóa trị tất cả 12 chu kỳ với mỗi kỳ gồm 5 ngày truyền hóa chất tại bệnh viện, về nhà nghỉ 10 ngày. Sau 12 đợt truyền trong 6 tháng, bà xuất viện và tái khám định kỳ hàng năm. Hiện, người phụ nữ khỏe mạnh, không tìm thấy khối u ác tính trong cơ thể.

Theo bà Hà, việc hiểu biết về bệnh tật, giữ nếp sống khỏe, sinh hoạt khoa học khiến thể chất của bà luôn khỏe mạnh, tinh thần lạc quan, yếu tố chính để chiến thắng bệnh tật.

Sau khi chữa ung thư, bà thường xuyên chia sẻ câu chuyện về quá trình điều trị, thói quen sinh hoạt của bản thân trên mạng xã hội, được nhiều người hưởng ứng, bình luận tích cực. Theo bà, rất nhiều bệnh nhân ung thư rất sốc và bi quan khi biết bệnh vì sợ chết khi con còn nhỏ, chồng còn trẻ... Song nhờ kinh nghiệm và nguồn năng lượng của bản thân, bà đã lan tỏa và giúp nhiều người bệnh hiểm nghèo mạnh mẽ, vượt qua bệnh tật.

"Sau khi chữa bệnh, tôi có thêm nhiều bạn ở khắp mọi miền tổ quốc", bà Hà nói.

ee6794fdbd6c1f32467d-172088722-5919-2127-1720888373.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XuxrXHqRrEjm7bahHoAoPw

Sau 7 năm phát hiện bệnh, bà Hà khỏe mạnh, không tìm thấy khối u ác tính trong cơ thể. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về dinh dưỡng, bà áp dụng thực phẩm đa dạng, đủ chất, cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Chất bột đường cần bổ sung 50-60% từ các thực phẩm rau củ quả, tinh bột, bánh mì, khoai. Nhóm chất đạm từ thực, động vật chiếm 13-20% tổng năng lượng, bổ sung thủy hải sản, tôm cua cá, sau đó là gà, vịt, ngan, lợn, bò. Chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ (mỡ thịt, mỡ cá) và chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu (dầu có trong các loại hạt, loại quả). Một số thực phẩm như thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn... được bà hạn chế chứ không kiêng hẳn.

Cơ thể được bổ sung đầy đủ các nhóm chất nên bà Hà luôn khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ sâu giấc, không cần thực phẩm chức năng hỗ trợ. Ngoài ra, bà cho rằng bệnh nhân ung thư không nên mua dùng thực phẩm chức năng theo quảng cáo để tránh bị "dụ dỗ", dẫn đến "tiền mất, tật mang".

Bên cạnh ăn uống, bà Hà chăm chỉ vận động. Từ khi truyền hóa trị, người phụ nữ chủ động xuống giường đi lại nhẹ nhàng. Sau khi điều trị ổn định, bà duy trì thói quen đi bộ nhẹ nhàng hoặc đạp xe khoảng 1 giờ mỗi ngày vào sáng sớm. Ngoài ra, người phụ nữ luôn cố gắng tự hoàn thành các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc cây cảnh... để máu huyết lưu thông, mồ hôi thải nhiều.

"Vận động khiến cơ thể tôi khỏe khoắn, ăn ngon, ngủ say hơn, không bị bệnh huyết áp hay tiểu đường". Bà cho rằng bản thân may mắn có chồng bên cạnh đồng hành, động viên nên luôn hăng hái tập luyện. Đồng thời, ông cũng chia sẻ với bà mọi việc trong nhà để vợ có nhiều sức khỏe sau điều trị.

Thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư ngại vận động bởi lo lắng các bài tập có thể khiến họ mệt mỏi, mất sức hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng nếu nhóm này có chế độ luyện tập phù hợp, theo chỉ dẫn khoa học, sẽ giúp tăng cường thể chất, cải thiện sức khỏe.

cf291a8d331c9142c80d-172088724-5599-9184-1720888375.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6NZzfLNMFxzD7C2VJcubeA

Bà Hà giữ thói quen đi bộ hoặc đạp xe buổi sáng trong nhiều năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại trực tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Theo GLOBOCAN 2022, loại ung thư này đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới và thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 16.000 ca mới và hơn 8.000 người tử vong.

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng như chế độ sinh hoạt không điều độ, yếu tố môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót của ung thư đại trực tràng thay đổi theo độ tuổi, loại, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, cân nặng và người bệnh có hút thuốc hay không. Khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn 1-2 là hơn 90%, trường hợp u di căn thì tỷ lệ này còn khoảng 15%.

Những nhóm cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em mắc bệnh. Những trường hợp trước đó nội soi phát hiện polyp và đã cắt cũng cần tầm soát định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022