Sáng 10/8, bác sĩ Võ Ngọc Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, cho biết các bệnh nhân từ 19 đến 50 tuổi, nhập cấp cứu chiều 9/8. Trong đó, một người hôn mê, hai người co giật, được đặt nội khí quản, thở máy. Hai người còn lại khó thở, được hỗ trợ thở oxy qua mặt nạ.

Những người này đau đầu, sau đó diễn tiến suy hô hấp sau khi ngửi thấy mùi lạ lúc bốc xếp kiện hàng hóa chất. Các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc chất vô cơ, theo dõi ngộ độc Poly Aluminium Chloride (PAC). Sau khi cấp cứu, bệnh viện chuyển hai bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115, hai người đến Bệnh viện Trưng Vương và một sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết các xét nghiệm của hai bệnh nhân ghi nhận methemoglobin tăng cao, oxy trong máu giảm nặng do ngộ độc. Người đàn ông 31 tuổi bị nặng hơn, hôn mê, phải thở máy, đang được điều trị tích cực.

Tại Bệnh viện Trưng Vương, hai bệnh nhân có biểu hiện tím môi, tím các đầu chi, nước tiểu màu nâu sậm. Trong đó, bệnh nhân 24 tuổi rất nặng, vào viện kích thích, vật vã, huyết áp tụt sâu, da xanh tái, máu động mạch màu nâu đen. Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị MetHemoglobin. Đây là tình trạng rối loạn máu, trong đó oxy được chuyển đến các tế bào rất ít và lượng methemoglobin bất thường được sản xuất, gây thiếu oxy ở các mô, dẫn đến tím tái, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Bác sĩ xác định bệnh nhân cần được truyền tĩnh mạch Blue Methylene - thuốc đặc trị MetHemoglobin. Tuy nhiên, đây là thuốc quý hiếm, không sẵn có tại tủ thuốc bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương liên hệ Bệnh viện Nhi đồng 1, được chia sẻ 8 ống Blue Methylene. Sau khi truyền thuốc, tình trạng tím tái của hai bệnh nhân cải thiện dần.

IMG-202408223-103951202-9067-1723262442.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fOHlsLcT3uIdSKhX7gcjyw

Thuốc Blue Methylene được Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ Bệnh viện Trưng Vương để cứu bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đánh giá cao sự phối hợp của các bệnh viện, chia sẻ thuốc kịp thời cứu người bệnh. Ông Thượng cho rằng trong bối cảnh TP HCM vừa được Chính phủ "bật đèn xanh", phân quyền cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, việc triển khai ứng dụng tra cứu tồn kho thuốc cấp cứu và xây dựng cơ số thuốc cấp cứu, quý hiếm cho các bệnh viện là rất cần thiết và khả thi.

Hóa chất PAC được xử lý phổ biến trong công nghệ xử lý nước thải hiện nay, giúp loại bỏ những tạp chất ra khỏi nước hiệu quả.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022