Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Nhóm "tôm loại khác", gồm tôm hùm, càng xanh, hàng rừng, tăng 222%, đạt 216 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng xuất khẩu tôm và tăng 150% so với năm trước. Tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi tôm sú và tôm chân trắng có xu hướng giảm.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, cho biết tôm Việt Nam phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Người tiêu dùng ở các thành phố lớn sẵn sàng chi nhiều hơn cho tôm nhập khẩu.
Giá tôm Việt trên Alibaba, Taobao khá cạnh tranh, với tôm hùm xanh bán chạy nhất. Trong khi đó, nguồn cung nội địa Trung Quốc giảm do thời tiết bất lợi, khiến giá tôm tăng 50-100% so với cùng kỳ, tạo cơ hội cho tôm nhập khẩu.

Người dân mua tôm hùm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp). Ảnh: Quỳnh Trần
VASEP dự báo Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu tôm trong năm nay. Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4-4,3 tỷ USD, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc. Để duy trì tăng trưởng, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm chế biến sẵn, tối ưu chi phí và đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Tại châu Âu, xuất khẩu tôm đạt 64 triệu USD, tăng 31%. Thị trường ổn định do mùa đông không phải cao điểm tiêu thụ. Nhu cầu tôm sạch, hữu cơ và chế biến sẵn tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực ưa chuộng tôm cao cấp từ Việt Nam.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 7%. Tuy nhiên, lo ngại thuế nhập khẩu dưới chính quyền Trump và lạm phát khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Mùa chay đến muộn cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ. Dù gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhu cầu có thể phục hồi nếu lạm phát và thuế nhập khẩu ổn định.
Thi Hà