Hôm 2/4, quy định "de minimis" miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa trị giá dưới 800 USD chấm dứt với các bưu kiện từ Trung Quốc. Điều này khiến Temu và Shein phải chịu các mức thuế lên đến 120% hoặc phí cố định 100 USD. Mức này dự kiến tăng lên 200 USD vào tháng sau.
Miễn thuế cho các gói hàng nhỏ từng là chìa khóa giúp Temu và Shein duy trì giá rẻ cho hàng vận chuyển từ Trung Quốc. Một số nhà lập pháp, công đoàn và các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ hoan nghênh việc dỡ bỏ "de minimis". Họ cho rằng Temu và Shein đã lợi dụng chính sách này để bán phá giá và đưa hàng giả, kém chất lượng tràn ngập thị trường. Do đó, việc mất lợi thế "de minimis" và các mức thuế quan nghiêm ngặt với hàng Trung Quốc có thể làm đảo lộn mô hình kinh doanh của hai nền tảng bán hàng trực tuyến này tại Mỹ, theo CNBC.
Tuy nhiên, bất chấp thách thức mới, các chuyên gia thương mại điện tử và chuỗi cung ứng đánh giá các nền tảng bán online giá rẻ của Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh và duy trì thế lực thống trị trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến nước Mỹ.
Deborah Weinswig, CEO Coresight Research cảnh báo đừng đánh giá thấp các nền tảng bán hàng trực tuyến giá rẻ này. Theo bà, các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc rất nhanh nhạy và linh hoạt. Họ có sẵn các kế hoạch dự phòng và thực hiện các bước cần thiết để bù đắp chi phí thuế.
"Thực tế, cuộc chơi thương mại điện tử tại Mỹ nghiêng về phía Temu và Shein. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu khoảng cách cạnh tranh giữa họ và đối thủ ngày càng rộng hơn", bà nói.

Logo Shein và Temu logos chụp vào 22/8/2024. Ảnh: Reuters
Đầu tiên, Temu và Shein đã lên phương án ứng phó sẵn, theo giới quan sát. Bởi lẽ, việc mất lợi thế "de minimis" đã được dự đoán từ lâu, với việc Tổng thống Donald Trump từng đình chỉ chính sách này hồi tháng 2. Để chuẩn bị, hai nền tảng đã đẩy mạnh các chiến lược nội địa hóa tại Mỹ.
Hiện nhiều nhà bán hàng trên hai nền tảng này có trụ sở tại Trung Quốc hoặc các quốc gia lân cận, nhưng không phải tất cả. Scott Miller, CEO công ty tư vấn thương mại điện tử pdPlus cho biết Shein và Temu sẽ tăng đưa hàng hóa từ các nhà bán hàng Mỹ lên nền tảng để tránh bị đánh thuế.
"Các công ty tại Mỹ gia nhập với tốc độ nhanh. Một số khách hàng của chúng tôi đã hoặc đang trong quá trình tham gia chỉ vài tháng gần đây", ông nói. Dù biên lợi nhuận cho các nhà bán hàng Mỹ thấp hơn Trung Quốc nhưng họ có thể cạnh tranh, theo Miller. Ông bổ sung rằng Temu thu hút người bán nhờ phí thấp, ít cạnh tranh và hỗ trợ tốt hơn khi lập gian hàng so với Amazon.
Song song đó, hai sàn online này bắt đầu thay đổi mô hình vận hành. Temu hiện chỉ cung cấp hàng hóa từ các kho nội địa Mỹ. "Tất cả giao dịch bán hàng tại Mỹ được xử lý bởi những người bán hàng tại địa phương", Temu tuyên bố tuần trước.
Thực tế, nhiều mặt hàng này vẫn được sản xuất tại Trung Quốc và sau đó vận chuyển theo lô lớn tới các kho tại Mỹ. Dù các lô hàng này vẫn chịu thuế, chúng được hưởng lợi nhờ sản lượng lớn.
"Các công ty thương mại điện tử đã có khoảng thời gian rất thuận lợi trong suốt thời gian dài, và đây là cú chuyển bước ngoặc với cách thức thương mại vận hành", Hugo Pakula, chuyên gia hải quan kiêm Giám đốc điều hành nền tảng tự động hóa thương mại Tru Identity bình luận.
Henry Jin, Phó giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Miami cho rằng việc nhập sỉ vào kho hàng tại Mỹ có thể khiến hàng hóa trên Temu giảm đa dạng. Tuy nhiên, ông cho rằng nền tảng này có thể nối lại việc giao hàng trực tiếp từ Trung Quốc tùy thuộc vào diễn biến thương chiến.
Trong khi đó, Shein đã mở rộng chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Brazil và có kế hoạch chuyển sang Việt Nam. Họ vẫn giao hàng trực tiếp từ Trung Quốc và có khả năng hấp thụ mức thuế tăng nhờ vào biên lợi nhuận cao trong lĩnh vực thời trang nhanh, theo Jin. "Các công ty Trung Quốc rất giỏi về khả năng hoạt động với biên lợi nhuận cực kỳ thấp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Họ tận dụng mọi cơ hội để tồn tại", ông nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng chính sách thương mại của ông Trump sẽ tiếp tục khiến giá hàng hóa trên Temu và Shein tăng cao. Theo dữ liệu từ Coresight, giá sản phẩm trên Shein đã tăng 5-50% trong nửa cuối tháng 4, đặc biệt là đồ chơi, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia thương mại điện tử vẫn tin rằng các nền tảng này có thể duy trì lợi thế giá cả. Temu mới đây tuyên bố "giá với người tiêu dùng Mỹ vẫn không đổi khi nền tảng chuyển sang mô hình giao hàng từ kho nội địa".
Shein trấn an khách hàng trong bài đăng mạng xã hội rằng: "Một số sản phẩm có thể có giá khác so với trước nhưng phần lớn các bộ sưu tập của chúng tôi vẫn phải chăng như trước đây".
Weinswig của Coresight nói rằng trước đây hai nền tảng Trung Quốc có thể bán hàng với giá chỉ bằng một phần ba so với Amazon. Vì vậy, ngay cả khi giá tăng gấp đôi, nhiều sản phẩm vẫn rẻ hơn so với các nhà bán lẻ Mỹ.
Jason Wong, làm việc trong lĩnh vực logistics cho Temu tại Hong Kong, ví nền tảng này như cửa hàng đồng giá. "Nếu giá tại đây tăng từ 1 USD lên 2 USD, thì nó vẫn là cửa hàng đồng giá", ông nói. Ngoài ra, thuế quan của ông Trump cũng ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ và trang thương mại điện tử Mỹ như Amazon, nghĩa là mặt bằng giá đều nhích lên.
Các nền tảng bán hàng Trung Quốc còn có một số lợi thế khác. Anand Kumar, Giám đốc nghiên cứu tại Coresight Research chỉ ra ưu điểm các sàn này có chuỗi cung ứng linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng. Ví dụ, Shein sản xuất theo lô nhỏ. Ban đầu, họ tung ra mẫu mới với số lượng hạn chế khoảng 100-200 sản phẩm để thử nghiệm. Những mẫu đón nhận tốt mới được chọn nhân rộng.
Yếu tố quan trọng khác là thuật toán và thiết kế ứng dụng, tận dụng các chiến lược như thông báo liên tục, đề xuất sản phẩm và hiển thị giá khuyến mãi, giảm sốc không ngừng. Người dùng còn có thể tham gia các mini-game để nhận phiếu giảm giá, quà tặng, hoặc mua "hộp mù" chứa sản phẩm ngẫu nhiên.
Chiến lược "game hóa" này tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ, khiến họ mua sắm vì cảm giác săn được món hời, theo Henry Jin. Ngoài ra, Temu và Shein còn giỏi tiếp thị qua livestream, mạng xã hội. Ngược lại, các nhà bán lẻ Mỹ không kịp thích nghi, chưa điều chỉnh chuỗi cung ứng cũng như chiến lược giá của mình, theo Weinswig.
Tuy nhiên, Temu và Shein vẫn có những thiệt hại khó tránh khỏi tại thị trường Mỹ, vì mất "de minimis" và thuế quan 145% áp lên hàng Trung Quốc. Từ 25/4 đến 1/5 - tuần lễ sau khi tăng giá bán để bù đắp thuế quan - doanh số của Shein và Temu lần lượt giảm 23% và 17% so với bảy ngày trước đó.
Cả hai "thắt lưng buộc bụng" bằng cách cắt bớt quảng cáo. Chi tiêu trung bình hàng ngày của Temu trên Facebook, Instagram, TikTok, Snap, X và YouTube giảm 31% trong nửa đầu tháng 4 so với 30 ngày trước đó. Chỉ số này của Shein cũng giảm bình quân 19% trên các nền tảng xã hội cùng thời gian.
Ngược lại, công ty phân tích thị trường Sensor Tower cho biết cả hai sàn online giá rẻ này tăng quảng cáo tại châu Âu trong tháng 4. Mức tăng chi tiêu lớn nhất được ghi nhận tại Pháp và Anh. Shein tăng 35% ngân sách tiếp thị tại hai thị trường này, trong khi Temu tăng lần lượt 40% ở Pháp và 20% Anh so với tháng 3.
Tại Anh, quảng cáo nhiều hơn giúp Shein tăng 25% lượt tải ứng dụng trong tháng còn Temu thêm gấp đôi. Tuy nhiên, số người dùng hoạt động hàng ngày của cả hai chỉ tăng nhẹ 5-10%.
Theo Kimber Maderazzo, Giáo sư tiếp thị tại Đại học Pepperdine Graziadio, các nền tảng Trung Quốc có thể sẽ không còn thu hút được nhiều khách hàng mới tại Mỹ như trước đây. Vì vậy, họ chuyển sang chiến lược giữ chân khách hàng Mỹ hiện có, trong khi tăng tốc quảng cáo ở thị trường khác. Ngoài châu Âu, hai nền tảng này cũng đang đẩy mạnh quảng cáo số tại thị trường Brazil.
Phiên An (theo CNBC, Reuters)