Qua "Chương trình can thiệp về phòng chống và kiểm soát thuốc lá điện tử tại các trường trung học cơ sở ở các thành phố lớn tại Việt Nam", đôi bên hướng tới xây dựng mô hình can thiệp phòng chống và kiểm soát hiệu quả, dựa trên cơ sở khoa học, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục, từ đó ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng tại các trường học.

Anh-1-1746694247-3055-1746753131.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G3XurUmAvER_H6lZ_ZBtvA

Đại diện trường Đại học Y tế Công cộng và Quỹ VinFuture trong lễ ký kết hợp tác. Ảnh: VinFuture

Trong năm đầu triển khai, chương trình triển khai mô hình can thiệp toàn diện, phù hợp với bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam, với sự hợp tác từ nhóm nghiên cứu REACH do Giáo sư Bonnie Halpern-Felsher (Đại học Stanford, Mỹ) dẫn dắt. Đồng thời, đôi bên sẽ tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề với sự tham gia của chuyên gia y tế, dự kiến tiếp cận hàng nghìn học sinh để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử.

Giai đoạn đầu, chương trình được thí điểm tại một trường THCS ở Hà Nội, sau đó, mở rộng đến 8 trường tại các đô thị lớn trong hai năm tiếp theo.

"Thông qua mô hình can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học tại các trường trung học cơ sở, dự án sẽ đặt nền móng tiên phong và kịp thời cho việc phát triển các chính sách và chương trình toàn diện về kiểm soát thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng", GS.TS. Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng, Chủ nhiệm dự án nhấn mạnh.

TS. Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture cũng cho biết, sự chung tay của các nhà khoa học, chuyên gia y tế và giáo dục sẽ tạo ra những tác động tích cực, bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời, góp phần xây dựng chính sách hiệu quả trong lĩnh vực phòng chống thuốc lá điện tử.

Anh-2-1746694247-5162-1746753131.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d0e7o1-K5mmvkKnH7ojPwg

GS.TS. Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VinFuture

Chương trình được khởi động trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 173 do Quốc hội ban hành vào tháng 11/2024, chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Việt Nam cũng là quốc gia thứ sáu trong ASEAN áp dụng chính sách cấm hoàn toàn đối với thuốc lá thế hệ mới.

Tuy nhiên, việc thực thi quy định này gặp nhiều thách thức do thiếu chương trình can thiệp toàn diện và hệ thống chế tài đồng bộ, trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên đang tăng nhanh. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ học sinh từ 13 đến 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% vào năm 2023.

Chương trình hợp tác là kết quả thiết thực từ hội thảo khoa học InnovaConnect do trường Đại học Y tế Công cộng và Quỹ VinFuture đồng tổ chức vào tháng 9/2024 với chủ đề "Phòng chống tác hại của thuốc lá mới".

Anh-3-PNG-1746694248-3506-1746753131.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iLONozsuPXirfaH2vVQb1w

Cán bộ, nhân viên hai đơn vị trong lễ ký kết hợp tác. Ảnh: VinFuture

InnovaConnect là chuỗi sự kiện kết nối khoa học giữa chuyên gia quốc tế với các trường, viện nghiên cứu uy tín trong nước, thúc đẩy hợp tác khoa học thực chất, hướng tới những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Từ năm 2024, chương trình đã kết nối các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như bán dẫn, khoa học môi trường và y tế công cộng với các trường đại học trọng điểm tại Hà Nội như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Y tế Công cộng. Năm nay, InnovaConnect sẽ mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Nhật Lệ

Các đơn vị quan tâm có thể truy cập website Quỹ VinFuture tại đây để tải biểu mẫu và hồ sơ đăng ký. Thời gian tiếp nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 2/1 và chia thành bốn đợt, vào các ngày 2/1, 2/4, 2/7 và 2/10. Các tổ chức có 60 ngày để hoàn tất hồ sơ và gửi bản mềm về email: secretariat@vinfutureprize.org.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022