Sau khi Bắc Kinh quyết định tặng Hong Kong 2 con gấu trúc nhân kỷ niệm 27 năm thành phố này được trao trả về Trung Quốc, Trưởng Cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch Hong Kong Kevin Yeung Yun-hung cho biết đặc khu sẽ áp dụng "kinh tế gấu trúc" để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Hai con gấu trúc độ tuổi từ 5 đến 8 đang được làm thủ tục chuyển đến nhà mới tại khu công viên giải trí Ocean Park. Theo ông, chúng không chỉ thu hút khách đến xem mà còn giúp các ngành khác hưởng lợi khi học theo Tứ Xuyên, quê hương loài này.

Ông Yeung nói từng đến Tứ Xuyên tham quan loài gấu trúc và rất ấn tượng trước cách chính quyền đại lục tận dụng tốt loài động vật để thúc đẩy nền kinh tế. "Đó là nền kinh tế gấu trúc. Ở Thành Đô, họ tận dụng tối đa gấu trúc như một phương tiện phát triển kinh tế chứ không chỉ là du lịch", ông nhận định.

Tại thủ phủ của Tứ Xuyên, hình ảnh gấu trúc không chỉ dùng để trang trí quảng bá du lịch mà nhiều sản phẩm văn hóa và sáng tạo khác cũng lấy ý tưởng từ chúng. "Bạn có thể thực sự thấy sự hiện diện của gấu trúc ở các lĩnh vực khác nhau", ông nói thêm.

2024-03-03T014655Z-1822101444-2748-9934-1720856397.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mpoqcNxLIdW5fJaE5NHh6g

Một con gấu trúc tên Fu Bao trong vườn thú Everland, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Sức ảnh hưởng của gấu trúc với du lịch và tiêu dùng ngày càng lớn. Theo Global Times, một trong những con gấu trúc nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện tại là Hua Hua, sống tại Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô. Trong kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua, nó giúp cơ sở này thành điểm đến thu hút khách đông thứ 2 đất nước, với hơn 264.000 người đến chỉ để xem "cô gấu" Hua Hua.

Hua Hua (tên thật là He Hua) hiện 3 tuổi và thu hút đông đảo người hâm mộ vì bộ lông màu trắng thay vì màu be thông thường, cùng tính tình hiền lành, vẻ mũm mĩm và khả năng trèo cây hiếm có. Xuất thân đặc biệt càng khiến nó thu hút, với mẹ Chenggong nổi tiếng là con gấu ám ảnh về sạch sẽ và bố là Meilan sinh ở Mỹ.

Chỉ trong 3 ngày đầu kỳ nghỉ 1/5, cơ sở nghiên cứu bán hết 180.000 vé. Khách đông đến độ mỗi người chỉ được 3 phút nhìn Hua Hua. Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, một bức ảnh chụp được cảnh Hua Hua đang ăn táo nhanh chóng thu hút được hơn 2.500 lượt thích.

Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô đã gấp rút đăng ký một số nhãn hiệu sau khi Hua Hua trở thành "con cưng quốc gia" và là từ khóa tìm kiếm "hot" trên thương mại điện tử. Các nhãn hiệu liên quan đến Hua Hua hiện gồm quần áo, giày dép, mũ nón, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, giáo dục và giải trí.

Cũng dịp lễ Quốc tế Lao động vừa qua, hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng chỉ để có 5 phút vào gặp gấu trúc Meng Lan tại Vườn thú Bắc Kinh. Theo Global Times, Trung Quốc đang chứng kiến "cơn sốt gấu trúc", làm dấy lên làn sóng mua sắm các sản phẩm liên quan đến loài vật này. Doanh số bán hàng tăng vọt chính là điều khiến một số người ví đó là "nền kinh tế gấu trúc".

"Nền kinh tế gấu trúc khổng lồ đã trở thành một điểm sáng trong tiêu dùng của đất nước, với vô số cửa hàng văn hóa và sáng tạo ở Thành Đô và trên khắp đất nước với nhiều loại sản phẩm liên quan", tờ báo nhận xét.

Chứng kiến cơn sốt ở đại lục, Trưởng Cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch Hong Kong cho rằng các nhà hàng và doanh nghiệp có thể tận dụng dịp thành phố đón thêm cặp gấu trúc mới để ra mắt các dịch vụ, sản phẩm ăn theo.

"Điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế", ông Yeung nói. Tất nhiên, do Hong Kong là trung tâm tài chính và có cơ cấu nền kinh tế đa dạng hơn nên ông thừa nhận tác động của "kinh tế gấu trúc" sẽ nhỏ hơn Tứ Xuyên.

Hong Kong đang thảo luận với Bắc Kinh về việc có thể cho phép đổi tên cho bộ đôi gấu trúc này hay không. "Chúng tôi hy vọng có thể đặt tên mới cho chúng. Đây là một món quà từ trung ương dành cho tất cả người Hong Kong. Sẽ rất tốt nếu nhiều người có thể tham gia vào (đặt tên)", ông nói.

Hong Kong từng nhận 4 con gấu trúc từ đại lục nhưng các nỗ lực khuyến khích chúng sinh sản đều bất thành. Li Desheng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc khổng lồ Trung Quốc giải thích rằng cặp đầu tiên là An An và Jia Jia đã già khi đến Hong Kong vào năm 1999.

Ngược lại, cặp thứ hai là Ying Ying và Le Le lại chưa trưởng thành và bỏ lỡ cơ hội giao lưu với đồng loại cùng độ tuổi trước khi đến đặc khu. Trong khi đó, cặp gấu trúc mới sắp đến đã hòa nhập với những con khác nhiều hơn ở Tứ Xuyên, nghĩa là chúng có cơ hội sinh con nhiều hơn.

Phiên An (theo SCMP, Global Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022