Ở độ tuổi tiểu học, trẻ vẫn còn rất mải chơi. Nhiều cha mẹ cho biết, họ tốn cả tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng để thúc giục con nhanh nhanh chóng chóng đến trường. Có những đứa trẻ thường xuyên "câu giờ", hoặc bịa đủ lý do từ đau bụng đến đau đầu, đau chân,... để được bố mẹ cho nghỉ học. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp đầy oái oăm mà cha mẹ không biết phải làm sao, cụ thể là vụ việc xảy ra ở Trung Quốc dưới đây.

Theo đó, một cậu bé 9 tuổi tên Hiên Hiên, sống ở Thương Khâu, Hà Nam đã khiến bố mẹ hốt hoảng trước tình trạng sức khoẻ cực lạ của mình. Khi ở nhà, Hiên Hiên rất khoẻ mạnh, năng động, ăn ngủ nghỉ bình thường nhưng cứ nhắc đến việc đi học lại nhanh chóng sốt, có lúc sốt cao tới 39,3 độ.

Ban đầu cha mẹ Hiên Hiên tưởng con mình giả vờ ốm hoặc đã giở tiểu xảo nào đó với chiếc nhiệt kế nhưng sau khi tìm hiểu thì họ phát hiện ra hoàn toàn không phải vậy. Cậu bé thật sự bị ốm chứ không phải giả vờ. Điều này khiến gia đình rất hoang mang. Ông nội của Hiên Hiên cho biết: "Hôm trước cháu vẫn bình thường, buổi tối còn nói muốn đi học nhưng hôm sau đã bị sốt".

photo-1-17211395105381690610318.jpg

Ông của Hiên Hiên chia sẻ vụ việc với báo chí

Không còn cách nào khác, gia đình phải đưa Hiên Hiên đi khám khắp nơi, làm xét nghiệm PCR đến 7, 8 lần, sau đó còn chụp CT và làm sinh thiết tủy xương (nghi ngờ có thể là bệnh bạch cầu), nhưng kết quả cho thấy cơ thể Hiên Hiên hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhắc đến chuyện đi học là cậu bé lại sốt, khiến gia đình thực sự không thể hiểu nổi.

Cuối cùng, bác sĩ đề nghị đưa Hiên Hiên đến khoa tâm lý hoặc khoa tâm thần để kiểm tra, xem có phải do quá sợ hãi chuyện đi học dẫn đến tình trạng này hay không.

Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, nhiều người cho rằng, nguyên nhân có thể là do cơ chế phản ứng căng thẳng, do gặp phải điều gì đó muốn tránh né ở trường học, hoặc do khao khát sự ấm áp của gia đình.

Một phụ huynh cho hay, vài năm trước, khi con gái chị học tiểu học, mỗi khi đến cổng trường là nôn mửa. Vợ chồng chị khá bận rộn công việc, dẫn đến gia đình sống xa nhau, khiến đứa trẻ thiếu sự ấm áp từ gia đình. Sau đó, dưới sự can thiệp của nhà trường, người bố đã trở về và hàng ngày đưa đón con đi học, đồng thời ở lại trường để có thể kịp thời trao đổi khi có vấn đề xảy ra. Sau hơn một tháng kiên trì, tình trạng của đứa trẻ mới được cải thiện.

Lại có một trường hợp khác như sau: Một đứa trẻ 10 tuổi, mỗi lần nhắc đến chuyện đi học, liền "đau đầu như búa bổ, chóng mặt buồn nôn," dù trước đó một giây vẫn còn tỉnh táo, năng động. Chỉ cần bước vào khuôn viên trường là cơ thể em bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khó chịu rõ rệt.

Người nhà nghĩ đó là "chứng ghét học," thậm chí còn đưa em đến vài bệnh viện kiểm tra nhưng tất cả các bác sĩ đều nói không có vấn đề gì, chắc là do yếu tố tâm lý. Dần dần, gia đình đều quen với điều này.

Rồi một ngày, khi đứa trẻ đột nhiên ngất xỉu và suýt bị xuất huyết não, khiến ông bà, bố mẹ hoảng sợ. Tuy nhiên, bí ẩn về "chứng ghét học" của đứa trẻ cuối cùng cũng được giải đáp. Hóa ra mỗi khi căng thẳng, em bị chèn ép dây thần kinh não dẫn đến thiếu oxy, gây ra hàng loạt phản ứng khó chịu, và nếu tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.

Không rõ trường hợp của cậu bé ở Hà Nam cụ thể ra sao nhưng từ một số vụ việc nêu trên, bố mẹ không nên chủ quan mỗi khi con kêu đau ốm gần giờ đi học. Hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân, đừng vội kết luận con giả vờ rồi bỏ qua nguyên nhân thật sự, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022