VNE-Beluga-7893-1721125536.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F1Mw-Ua9WPoeMHkPsS88dg

Cá voi trắng trên đường di cư. Ảnh: Madison Stevens / Polar Bears International

Cá voi trắng (Delphinapterus leucas) bơi từ Bắc Băng Dương tới sông Churchill ở vịnh Hudson, Canada, để kiếm ăn và sinh con. Hơn 57.000 con cá voi trắng thực hiện hành trình di cư này và tổ chức Polar Bears International sẽ phát sóng trực tiếp quá trình di chuyển của chúng, IFL Science hôm 15/7 đưa tin.

"Cá voi trắng rất tò mò và nhiều con sẽ bơi thẳng tới camera dưới nước trong lúc nô đùa sau thuyền", Alysa McCall, nhà khoa học của Polar Bears International, cho biết.

Hai camera phát trực tiếp được đặt trên thuyền nghiên cứu Delphi: một camera ghi hình mặt nước và camera còn lại quay dưới nước. Các nhà nghiên cứu thậm chí sử dụng máy thủy âm để thu âm thanh của cá voi trắng trong lúc chúng di chuyển. Những con vật này còn có biệt danh "chim hoàng yến của biến" do âm vực đặc biệt. Ngoài âm thanh, nghiên cứu cho thấy phần lồi ra ở đầu của chúng cũng có thể thay đổi hình dáng, hỗ trợ giao tiếp trực quan.

Vịnh Hudson có nhiều thức ăn cho cá voi nhưng rất khó tiếp cận trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên, vào mùa hè, băng tan biến nơi đây thành địa điểm hoàn hảo để cá voi kéo tới bởi trong khu vực tương đối ít cá voi sát thủ, kẻ thù tự nhiên của chúng.

Một phần lý do để cá voi di cư tới đây là con trưởng thành phải trải qua quá trình lột xác. Theo Cơ quan cá và giải trí Alaska, da của chúng phát triển nhanh gấp khoảng 100 lần so với bình thường trong thời gian này. Theo nghiên cứu từ thập niên 1990, nồng độ muối thấp và nhiệt độ nước biển ấm hơn ở vịnh Hudson có thể giúp da phát triển nhanh thông qua kích thích lưu thông máu tới da.

Vào mùa thu, mặt biển sẽ đóng băng trở lại và cá voi trắng sẽ rời đi. Chúng ăn cá hồi và nhiều loài cá khác cũng như tôm, cua và động vật thân mềm. Không chỉ cá voi trắng phụ thuộc vào băng biển, các loài khác như gấu Bắc Cực và hải cẩu cũng dùng băng làm nền tảng để đi săn, nghỉ ngơi và sinh sản.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022