Thông tin được ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nêu tại hội nghị về triển khai Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm, chiều 28/3.
Ông Cương cho biết từ khi thông tư có hiệu lực vào giữa tháng 2, Hà Nội ghi nhận nhiều kết quả tích cực như học sinh chủ động tự học hơn, có thêm thời gian vui chơi, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ông băn khoăn vì số lượng trung tâm, hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm "tăng rất nhiều".
"Dự tính hiện Hà Nội có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh liên quan dạy thêm, học thêm. Qua khảo sát, mức thu phí học thêm cao hơn rất nhiều so với trước đây", ông Cương nói. Cụ thể mức tăng không được ông nêu chi tiết.
Theo ông Cương, số lượng trung tâm tăng nhanh, trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết về quy định, chế tài xử lý các vi phạm liên quan có thể khiến các địa phương gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát. Ông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cũng đặt ra vấn đề này tại hội nghị. Theo ông Quốc, thành phố hiện có hơn 10.000 trung tâm dạy thêm.
"Thành phố cũng băn khoăn, lo lắng việc tổ chức dạy thêm, học thêm sao cho đảm bảo thời gian giảng dạy, an toàn phòng cháy chữa cháy, sức khỏe học sinh", ông Quốc cho hay.

Ông Trần Thế Cương (trái), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ với băn khoăn của địa phương, song cho rằng nên bình tĩnh.
"Mục tiêu của chúng ta là đừng để học sinh ra trung tâm học thêm một cách tràn lan", ông nói.
Với đề xuất có thêm yêu cầu, tiêu chí mở trung tâm, ông Thưởng cho biết thông tư "không thể quy định" như vậy, bởi dạy thêm, học thêm đã được đưa ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ông gợi ý giáo viên, các trường tư vấn cho học sinh để các em chọn được những trung tâm đủ cơ sở vật chất, người dạy uy tín để theo học.
"Giáo viên cũng phải tự tôn, tự trọng. Tới trung tâm mà xập xệ, không đủ phòng cháy chữa cháy, xin các thầy cô không dạy ở đó và khuyên học sinh đừng đến học", ông Thưởng nói. "Tinh thần là không khuyến khích học sinh học thêm bằng mọi giải pháp".

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại hội nghị chiều 28/3. Ảnh: MOET
Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2. Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về học phí, thời lượng, môn học, thời gian, địa điểm... Cùng đó, thầy cô không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Bộ cho biết các quy định trên nhằm tránh tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học tổ chức.
Sau 1,5 tháng áp dụng, Bộ đánh giá quy định mới đã bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức, cách quản lý dạy thêm, học thêm. Học sinh, phụ huynh và giáo viên nhận thức rõ hơn về hệ lụy của dạy thêm, học thêm tràn lan. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của các em, mà còn ảnh hưởng tới công bằng trong tiếp cận giáo dục, chất lượng dạy chính khóa, gây lãng phí thời gian và tài chính của các gia đình...
Về hạn chế, Bộ cho biết còn nhiều địa phương chậm hướng dẫn, lúng túng trong triển khai, khiến một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng. Một số trường chưa chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, gây ảnh hưởng tâm lý học sinh.
Bộ yêu cầu các trường khảo sát, phân loại học sinh theo trình độ để xếp lớp, xếp giáo viên phù hợp, từ đó hạn chế tình trạng tổ chức ôn tập tràn lan. Các trường học phải tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực; không gây áp lực học thêm cho các em.
Thanh Hằng