Rời phòng thi lúc hơn 11h, Thanh Quốc, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM, nhận xét đề có cấu trúc tương tự đề minh họa nhưng độ khó gấp 2, 3 lần.
Trong đó, phần Toán có dạng cụm 3 câu hỏi chung một đề bài với cấp độ khó dần. Nếu không giải được câu 1, thí sinh gần như bỏ 2 câu sau vì thiếu đáp án để làm dữ kiện giải tiếp.
"Em chỉ giải được 1, 2 câu đầu, câu 3 quá khó", Quốc cho hay.
Phần Tiếng Việt tưởng như gỡ điểm nhưng theo Quốc lại khó "ăn" hơn những năm trước vì toàn bộ dữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Ở phần Tư duy khoa học, phần lớn câu hỏi dài, tương đương một đoạn văn ngắn, nhiều dữ liệu đòi hỏi khả năng đọc hiểu nhanh, tóm tắt dữ kiện quan trọng.
"Đọc nhanh thì sót dữ liệu mà đọc chậm lại không kịp thời gian, chưa kể thí sinh phải ghi nhớ thông tin đề bài dùng cho nhiều câu hỏi. Em đánh bừa khoảng 20 câu vì hết giờ", Quốc nói.
Đồng tình, Anh Khoa, học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, cho rằng trong 150 phút thí sinh khó giải quyết được 120 câu hỏi. Tư duy khoa học là phần cuối trong đề thi của Khoa. Nam sinh đánh giá phần này không quá khó nhưng làm chưa tốt do không đủ thời gian.
"Đây là phần em khá tiếc, câu hỏi dài, nếu đọc lướt, sai thông tin thì không tìm ra đáp án", Khoa chia sẻ. Nam sinh ước chừng đạt 800/1200 điểm, chưa đủ "an toàn" để đăng ký vào trường Đại học Bách khoa TP HCM nên cho hay sẽ dự thi lần 2.

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sáng 30/3. Ảnh: Lệ Nguyễn
Hoàng Huy, THPT Tam Phú, Thủ Đức, cũng thấy khó đạt mức điểm trung bình của bài thi. Huy đánh giá phần Toán và Tư duy khoa học khó nhất, phải "chọn bừa" khoảng 30 câu.
"Cách hỏi không khác mọi năm nhưng số lượng câu thực tế, ứng dụng nhiều hơn. Trọng tâm kiến thức nằm ở lớp 12, một số câu liên quan kiến thức lớp 10, 11", Huy nhận xét.
Nam sinh sẽ dự thi lần hai để cải thiện điểm số với mục tiêu đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM.
Ngược lại, Minh Thư, trường THPT Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thấy đề thi năm nay vừa sức. Em là một trong những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm trường Đại học Bách khoa.
Thư nhìn nhận phần thi tiếng Việt khá dài nên tốn sức hơn. Còn phần Tư duy khoa học tuy mới so với năm ngoái, nhưng không quá khó. Nữ sinh tự tin với bài thi của mình và kỳ vọng đạt khoảng 900 điểm.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, TP Thủ Đức, sáng 30/3. Ảnh: VNUHCM
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP HCM thu hút hơn 126.000 thí sinh, đông nhất kể từ năm 2018. Để phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên của chương trình mới, đại học này điều chỉnh cấu trúc đề thi so với các năm trước. Đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó.
Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành "Tư duy khoa học" với 30 câu trắc nghiệm. Câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, từ đó yêu cầu thí sinh vận dụng, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật...
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh với 60 câu hỏi thay vì 40 câu như trước. Cuối cùng là phần Toán học với 30 câu.
Đề mẫu thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025
Cả nước có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, trong đó kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM có quy mô lớn nhất. Năm ngoái, hơn 133.000 lượt thí sinh tham dự ở hai đợt, điểm trung bình là 664,6/1200. Thủ khoa là Trần Phạm Long Nghĩa với 1116 điểm.
Lệ Nguyễn