Từ 6h30 sáng 30/3, phụ huynh, học sinh tập trung tại khuôn viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - một trong 35 điểm thi ở thành phố. Ngoài ra, kỳ thi còn được tổ chức đồng loạt ở 24 địa phương khác.
Ngọc Trâm, học sinh trường THPT Lương Văn Can, quận 8, được mẹ đưa đến điểm thi, cẩn thận kiểm tra giấy báo, căn cước công dân trước khi vào phòng. Nữ sinh cho hay đi thi để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Tôn Đức Thắng, Sài Gòn.
Hè năm ngoái, Trâm đăng ký khóa ôn online 4 triệu đồng và theo học đến nay, nhưng vẫn lo lắng vì cấu trúc, nội dung đề thi năm nay có nhiều thay đổi.
"Thế mạnh là phần Ngôn ngữ, Phân tích số liệu nên em dành nhiều thời gian ôn để lấy điểm số tốt nhất có thể", Mai Trâm cho hay.

Thí sinh trò chuyện trước giờ vào phòng thi, sáng 30/3. Ảnh: Lệ Nguyễn
Nhà cách điểm thi hơn 20 km, Minh Quân, học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, ở nhờ nhà người thân từ hôm qua để đến trường đúng giờ. Với thế mạnh Tiếng Việt và Tư duy logic, nam sinh đặt mục tiêu trên 750/1200 điểm để đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP HCM.
"Em tham gia khóa ôn luyện từ 9 tháng trước, gần đây thì dành mỗi ngày 3-4 tiếng để luyện đề", Minh Quân kể.
Gần đó, Minh Luân và bạn bè ở trường THPT Lê Thánh Tông cùng ôn lại một số dạng bài Logic - Phân tích số liệu. Mong muốn đạt trên 900 điểm ngay từ đợt thi đầu, Luân cho biết ngoài ôn luyện trên lớp, em dành thêm 1-2 tiếng mỗi ngày làm đề trên mạng và học nhóm.
"Vẫn còn đợt 2 vào tháng 6 nhưng em muốn có kết quả tốt ngay từ đợt đầu, sau đó tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT", Luân nói.

Thí sinh (bên phải) được tình nguyện viên hướng dẫn tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sáng 30/3. Ảnh: Lệ Nguyễn
Các em nằm trong hơn 128.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP HCM. So với đợt 1 năm ngoái, số thí sinh tăng khoảng 34.000. Đây cũng là con số kỷ lục kể từ khi đại học này tổ chức kỳ thi vào năm 2018.
Ghi nhận tại điểm thi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, một số thí sinh bỏ thi vì không mang căn cước công dân, giấy báo dự thi. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết quy chế đã nêu rõ điều này nên không châm chước.
Ngoài ra, năm nay thí sinh không được mang Atlat Địa lý vào phòng thi như trước vì đề được cấu trúc lại theo chương trình phổ thông hiện hành (chương trình 2018), không còn nội dung nào cần đến Atlat.
Thí sinh sẽ nhận điểm thi đợt 1 vào ngày 16/4.

Giám thị đối chiếu thông tin khi gọi thí sinh vào phòng thi. Ảnh: Lệ Nguyễn
Cả nước có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, trong đó kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM có quy mô lớn nhất. Năm ngoái, hơn 133.000 lượt thí sinh tham dự ở hai đợt, điểm trung bình là 664,6/1200. Thủ khoa là Trần Phạm Long Nghĩa với 1116 điểm.
Năm nay, để phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên của chương trình mới, Đại học Quốc gia TP HCM điều chỉnh cấu trúc đề thi so với các năm trước. Đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó.
Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành "Tư duy khoa học" với 30 câu trắc nghiệm. Câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, từ đó yêu cầu thí sinh vận dụng, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật...
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh với 60 câu hỏi thay vì 40 câu như trước. Cuối cùng là phần Toán học với 30 câu.
Lịch thi đánh giá năng lực đợt 2 như sau:
Thời gian | |
Mở đăng ký dự thi | 17/4 - 7/5/2025 |
Thông báo phiếu dự thi cho thí sinh | 24/5/2025 |
Tổ chức thi | 1/6/2025 |
Chấm thi | 2/6-15/6/2024 |
Công bố điểm thi | 16/6/2025 |
Lệ Nguyễn