Thông báo được đưa ra hôm 28/4. Trước đó, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers và Bộ trưởng Tài chính Katy Gallagher cho hay tăng phí visa (thị thực) sẽ mang lại thêm 760 triệu AUD trong vòng 4 năm tới.

"Chúng tôi cho rằng đây là một biện pháp hợp lý, thực sự đề cao giá trị của việc học tập tại Australia", bà Gallagher nói trong một cuộc họp báo.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Australia đã tăng phí thị thực du học hơn gấp đôi, từ 710 AUD lên 1.600 AUD - thuộc nhóm cao nhất thế giới.

sinh-vien-1745853631-8600-1745854683.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wkZpGiw0psY9Z8n7Xyooaw

Sinh viên trong khuôn viên Đại học Western Sydney. Ảnh: Western Sydney University

Thông báo của Công đảng cầm quyền được đưa ra không lâu sau khi phe đối lập, liên minh do ông Peter Dutton dẫn đầu, cam kết sẽ áp dụng phí thị thực lên tới 5.000 AUD nếu sinh viên quốc tế muốn vào nhóm G8 (8 đại học hàng đầu). Liên minh cũng đề xuất "xem xét lại" loại visa tốt nghiệp tạm thời (485) vì cho rằng các quy định đang bị lợi dụng để xin định cư lâu dài tại Australia.

Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3/5.

Sinh viên quốc tế hiện là nguồn thu chính của các đại học nhưng được cho là một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ nhập cư ròng và chi phí nhà ở tăng cao. Theo thống kê của chính phủ Australia, gần 200.000 du học sinh quốc tế đến nước này vào tháng 2 năm nay, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 7,3% so với mức trước Covid-19.

Đảng Lao động cam kết giới hạn số lượng du học sinh tới Australia ở mức 270.000 trong năm 2025, trong khi phe đối lập đưa ra con số thấp hơn - 240.000.

Australia là một trong những điểm đến được du học sinh chuộng nhất, cùng với Mỹ và Canada. Trong hơn một triệu sinh viên quốc tế năm ngoái, số người Việt là 37.000, thuộc top 5 đông nhất.

Ngoài tăng phí thị thực, Chính phủ Australia cũng siết chặt quy định du học nhằm kiểm soát nhập cư. Một số biện pháp gồm rút ngắn thời gian ở lại sau tốt nghiệp, nâng yêu cầu tiếng Anh, cấm chuyển đổi từ thị thực du lịch sang thị thực du học...

Bình Minh (Theo Reuters, Pie News)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022