Nguyễn Đình Nguyên Khôi là sinh viên lớp Kiểm toán chất lượng cao, Viện Đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và POHE, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Với điểm tốt nghiệp 3,98/4, chàng trai quê Ninh Bình vượt qua gần 800 sinh viên, trở thành thủ khoa đầu ra của viện.

Chàng trai cho rằng danh hiệu thủ khoa là sự ghi nhận kết quả học tập trong bốn năm đã qua, chứ không coi đây là điều gì đó "hơn người". Khôi xác định "ra ngoài kia sẽ phải làm lại từ đầu".

"Duy trì sự khiêm tốn, không tự mãn với những gì đã đạt được và luôn mở lòng để đón nhận kiến thức, kinh nghiệm mới là điều mình luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày", Khôi nói.

z5511344153889-5012296985730ea-2116-6567-1723197929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3w2btPgVIbC5YxEjvRlqxg

Nguyễn Đình Nguyên Khôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khôi cho biết quyết định chọn ngành Kiểm toán một phần nhờ mẹ - cựu sinh viên ngành Kế toán của trường. Quan sát công việc của mẹ, Khôi dần có hình dung về lĩnh vực "kế kiểm".

"So với Kế toán, mình thích Kiểm toán hơn, do thấy bản thân làm việc độc lập tốt hơn hoạt động nhóm", Khôi nói.

Dù đã chuẩn bị tinh thần "đại học sẽ rất khác phổ thông", Khôi vẫn chật vật với một số môn đại cương và cơ sở ngành. Nam sinh đạt điểm B (từ 8 đến dưới 8,5, được quy đổi thành 3,5/4) ở hai môn đầu tiên nhóm này.

Rút kinh nghiệm, khi học tới Kinh tế vĩ mô và thấy nhiều bạn bè cũng không hiểu bài, Khôi tìm lớp học thêm. Nam sinh kể, lớp khoảng hơn 10 người, dài 7-8 buổi. Lúc đó, Khôi "chỉ mong qua môn Kinh tế vĩ mô", không dám nghĩ tới chuyện đạt học bổng hay trở thành thủ khoa.

Nhưng dần dần, Khôi hiểu bài hơn. Nam sinh bắt đầu biết về hành vi, hiệu suất tổng thể của nền kinh tế nói chung; thành thạo các khái niệm như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát, tăng trưởng kinh tế, chu kỳ kinh doanh... Sau này, Khôi còn học thêm môn Thống kê trong kinh tế và kinh doanh để đạt kết quả tốt nhất.

Nam sinh áp dụng phương pháp học chung cho tất cả môn. Ở trên lớp, Khôi ghi ý chính theo bài giảng của thầy cô, về nhà đọc lại và tìm thêm tài liệu. Với những môn có bài tập, nam sinh sẽ chủ động làm hết bài trong giáo trình, rồi lên mạng đối chiếu đáp án.

Chương trình Kiểm toán chất lượng cao có khoảng 30% học phần bằng tiếng Anh, hầu hết là môn chuyên ngành. Là cựu học sinh chuyên Anh của trường chuyên Lương Văn Tụy, tỉnh Ninh Bình, Khôi không khó khăn để bắt nhịp, ngược lại coi đây là lợi thế khi dễ dàng tra cứu tài liệu. Nhờ tinh thần nghiêm túc, Khôi không bị thêm điểm B nào nữa, mà đều đạt tuyệt đối.

Ngoài thời gian học, Khôi tham gia các tổ chức đoàn thể trong trường. Nam sinh làm Bí thư chi đoàn từ năm thứ nhất đại học. Từ năm thứ ba, Khôi đảm nhận Bí thư Chi bộ sinh viên. Nhiệm vụ của Khôi là lên kế hoạch, điều phối chung các hoạt động. Nam sinh nhìn nhận gặp không ít áp lực, song công việc này giúp bản thân rèn luyện sự kỷ luật, học hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng mềm.

DXVF2125-1813-1723197929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V9mM6718-KuXQVt5zaOf1Q

Nguyên Khôi phát biểu trong Lễ kết nạp Đảng viên của Chi bộ Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của Khôi là trong thời gian thực tập. Nam sinh cho biết sinh viên Kiểm toán đều mong có cơ hội làm việc trong "Big4" (4 công ty kiểm toán lớn trên thế giới, gồm PwC, Deloitte, Ernst and Young và KPMG). Khôi cũng không ngoại lệ, nên đăng ký thực tập tại Deloitte Việt Nam. Trải qua nhiều vòng thi, cuối năm 2023, nam sinh trúng tuyển vị trí thực tập sinh kiểm toán.

Vào công ty "đúng mùa bận", Khôi được tham gia rà soát các khoản trong báo cáo tài chính, hỗ trợ các anh, chị khi đi kiểm toán ở doanh nghiệp.

Lần đầu "thực chiến", Khôi choáng vì công việc nhiều, không ít thứ lại rất khác lúc học, từ form báo cáo tới các tình huống thực tế. Ngoài bị cấp trên nhắc nhở, Khôi cũng bị kế toán của khách hàng phàn nàn vì đặt câu hỏi không rõ ràng.

"Mình rất hoảng và áp lực", Khôi nhớ lại.

Để cải thiện, nam sinh xin lại tài liệu kiểm toán các năm trước để nghiên cứu, nhờ các anh, chị trong nhóm hướng dẫn phần chưa hiểu. Sau khoảng 2-3 lần, Khôi bắt đầu quen việc.

"Quá trình thực tập giúp mình hiểu thế nào là làm việc dưới áp lực cao, có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Đi làm rồi mới biết chỉ biết lý thuyết suông thì không làm được", Khôi nói.

TS Nguyễn Thị Mai Anh, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từng dạy Nguyên Khôi môn Kế toán tài chính bằng tiếng Anh khi nam sinh học năm thứ ba. Cô Mai Anh cho biết Khôi đạt hai điểm 10 chuyên cần và giữa kỳ, cuối kỳ cũng trên 9.

"Tôi rất ít cho 10 chuyên cần, thường chỉ dành cho sinh viên chăm chỉ, lễ phép, đi học đều, nghe giảng và ghi chép đầy đủ", cô nói.

Khi biết Khôi tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, cô Mai Anh ngạc nhiên. Bởi thông thường, một sinh viên hoạt động năng nổ thường khó cân bằng việc học. Tuy nhiên, cô nhận thấy nam sinh luôn ưu tiên việc học, biết cách sắp xếp công việc.

"Biết Khôi tốt nghiệp thủ khoa, tôi rất vui. Kiểm toán là chuyên ngành khó vì có nhiều số, kiến thức nặng, lại học bằng tiếng Anh, chưa kể mặt bằng chung có rất nhiều sinh viên giỏi. Điểm 3,98 cho thấy bạn là người có năng lực", cô nói.

139A8867-JPG-6036-1723197929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xDMyZ0O7XRJQCXjELfwCIA

Nguyên Khôi cùng bạn bè trong lễ tốt nghiệp của Viện, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ giờ đến cuối năm, Khôi dự định tìm hiểu các loại học bổng để năm tới du học thạc sĩ. Nam sinh muốn học Kinh tế hoặc Tài chính tại một quốc gia châu Âu.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022