Nhớ lại chiều 9/6, thời điểm công bố kết quả và bế mạc APhO năm 2024, Thế Công vẫn chưa hết bất ngờ. Năm ngoái, cũng tại cuộc thi này, nam sinh lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Bắc Giang, đã mang về huy chương đồng cho đội Việt Nam.

Năm nay, Công đi thi với tâm thế "vượt qua chính mình" nhưng không nghĩ sẽ giành huy chương vàng. Với tổng điểm 37,4/50, em xếp hạng 30 trên hơn 200 thí sinh tham dự kỳ thi. Trong đó, điểm thành phần bài thi lý thuyết và thực nghiệm lần lượt là 27,6/30 và 9,8/20.

"Em vui lắm, hét toáng lên với bạn bên cạnh khi nghe tên mình được huy chương vàng", Thế Công nhớ lại. Em cũng gọi ngay cho bố mẹ, thầy cô để báo tin vui.

3253f8c3-3312-4b05-ae26-8fc610-1183-2716-1718333817.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-36IuQOJdFQSRBZdfeEGsA

Thế Công tại cuộc thi APhO 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm lớp 8, Công bắt đầu thích Vật lý, đơn giản vì luôn biết cách giải bài. Muốn học chuyên sâu, em thi vào đội tuyển trường, nhưng trượt. Sau đó, em học chăm hơn. Trên lớp, chỗ nào chưa hiểu, Công nhờ thầy giảng thêm sau giờ học. Mỗi lần như vậy có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

"Em rất may mắn vì có người thầy tâm huyết, tin tưởng vào niềm yêu thích vật lý của em", Công kể.

Ngoài ra, Thế Công còn chăm đọc sách chuyên đề Vật lý. Một lần, em đọc về hiện tượng siêu dẫn của nam châm. Khi nhiệt độ đủ thấp, từ trường nhỏ, nam châm có thể bị nâng lên, lơ lửng trong không gian mà không cần tiếp xúc của con người. Hiện tượng này liên quan đến hiệu ứng Meissner, thể hiện đặc tính của vật liệu siêu dẫn. Lần khác, em hiểu cầu vồng sau mưa do ánh sáng mặt trời khúc xạ qua các giọt hơi nước mà thành.

Thế Công nhận ra các hiện tượng "kỳ diệu" đều có thể lý giải bằng vật lý. Nhờ vậy, đam mê vật lý tự nhiên lớn dần.

Giải thưởng đầu tiên Công có được là huy chương vàng môn Vật lý, ở kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, năm lớp 10. Theo Thế Công, đây là động lực giúp em tự tin vươn tới các giải thưởng quốc tế sau này. Năm 2023, em liên tiếp vượt qua các vòng thi học sinh giỏi, đỗ đội tuyển APhO và giành huy chương đồng. Nhận mình là người hiếu thắng, Thế Công đặt mục tiêu đạt giải cao hơn ở kỳ thi năm nay.

Công học và sinh hoạt cùng đội tuyển ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ đầu tháng 5. Các em chủ yếu luyện đề các năm trước, củng cố kiến thức chuyên sâu cùng các giáo sư ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Bách khoa. Một tuần trước khi thi là giai đoạn gấp rút, đội tuyển học cả buổi tối. Dù học kín lịch, 8 chàng trai đội tuyển APhO vẫn tranh thủ đi chơi quanh Hà Nội.

"Chúng em học nhiều, nhưng không đến mức học ngày học đêm", Thế Công nói.

Trong hai ngày thi ở Malaysia, Thế Công nói đã làm tốt, cố gắng không để sai lỗi vặt ở bài thi lý thuyết - sở trường của mình. Luyện đề thường xuyên, lại có kinh nghiệm trước đó, nên dù thi liên tục 5 tiếng mỗi buổi, em không thấy mệt.

Ở bài thi lý thuyết, em ấn tượng nhất câu hỏi về vật lý thiên văn, dựa trên một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature. Thí sinh phải sử dụng kiến thức về quỹ đạo của hệ sao đôi, từ đó lý giải nguyên nhân hình thành quang phổ.

853cc4d1648ac7d49e9b-9013-1718333817.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_dFoinT3MW1ZNu-kcKH46g

Công (đeo hoa, bên phải) cùng Trương Phi Hùng - bạn cùng trường chuyên Bắc Giang được thầy cô, bạn bè đón tại sân bay, tháng 6/2024. Ảnh: Báo Bắc Giang

Thầy Nguyễn Văn Đóa, giáo viên dạy môn Lý ở chuyên Bắc Giang, cũng là người đồng hành với Công trong thời gian ôn tập và thi APhO. Thầy đánh giá cao tố chất Vật lý của Công, học tới đâu, nam sinh nắm vững kiến thức tới đó.

"Thế Công cần cù, chịu khó và có tinh thần quyết tâm chinh phục đỉnh cao", thầy nói.

Với thành tích này, Thế Công được miễn thi tốt nghiệp và xét tuyển thẳng đại học. Nam sinh dự định theo đuổi ngành Điện tử và Viễn thông ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Em muốn học về thiết kế vi mạch vì liên quan đến điện - mảng kiến thức Vật lý yêu thích", Công nói.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022