Đang đi nghỉ cùng bạn bè hồi cuối tháng 3, Hải Sơn nhận email thông báo kết quả. Năm nay, anh là một trong 350 người đoạt giải trên toàn thế giới.

Đây là cuộc thi lập trình thường niên dành cho học sinh, sinh viên do tập đoàn công nghệ Apple tổ chức, khuyến khích người trẻ giúp đỡ cộng đồng bằng kỹ năng lập trình.

"Dù khá tự tin vào sản phẩm nhưng mình vẫn lo, thậm chí đêm hôm trước trằn trọc không ngủ được", Sơn nhớ lại. Sản phẩm có tên là Morning Dew (Sương Sớm), chơi chữ hai từ đồng âm "dew" và "do", giúp người mắc ADHD hoàn thành thói quen buổi sáng.

Năm ngoái, Sơn từng trong đội Á quân cuộc thi hackathon do hãng sản xuất máy bay Boeing và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp RMIT Activator tổ chức.

Nam sinh hiện học năm cuối ngành Khoa học máy tính, Đại học RMIT, Australia. Cách đây hai năm, ở tuổi 19, Sơn được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý.

Mason-Cao-Profile-8640-1721807283.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JuYvThfiXa_FO6aoRKiZXQ

Cao Hải Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn có những biểu hiện của ADHD từ nhỏ, thường bị nhầm là lười, thiếu tập trung, cả thèm chóng chán. Buổi tối, trong khi các bạn có thể ngồi hàng tiếng để làm bài tập, Sơn phải canh "lúc nào có hứng học" mới có thể tập trung khoảng 30 phút. Còn buổi sáng, Sơn ví dụ nếu người bình thường chỉ cần 20 phút để chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì bản thân cần gấp ba lần thời gian đó.

Hải Sơn bắt đầu ngày mới bằng cách nằm ườn trên giường, rồi vệ sinh cá nhân. Trong lúc soi gương để chỉnh trang đầu tóc, quần áo, Sơn thấy cái cây gần đó hơi khô nên lấy nước tưới. Trong lúc tưới, anh lại nghĩ nó cần thêm ánh sáng, đành bê chậu cây ra ban công. Để ý ban công bụi bẩn, anh tiện tay quét lá, rửa sàn.

"Việc này dẫn đến việc kia một cách ngẫu hứng, đến lúc nhận ra thì mình đã muộn học", Sơn nói, cho biết trong ba năm ở trường THPT Nguyễn Siêu, anh thường xuyên bị ghi tên vào danh sách đi muộn.

Dù vậy, thầy Nguyễn Thành Đăng, chủ nhiệm lớp Sơn, chưa từng phạt cậu học trò đặc biệt của mình, thậm chí để Sơn tự chọn hình thức kỷ luật. Có lần, Sơn sử dụng điện thoại sai quy định, bị thầy yêu cầu cất điện thoại vào tủ đến cuối năm học. Nam sinh đã đánh tráo chiếc điện thoại vi phạm bằng một chiếc mô hình. Thầy Đăng biết nhưng không trách mắng, còn Sơn sau đó không dám chơi điện thoại trong giờ học nữa.

"Hiểu câu chuyện của Sơn, đôi khi mình cần hạ tiêu chuẩn, ghi nhận nhiều hơn từng tiến bộ nhỏ của con", thầy chia sẻ.

Thầy cũng ấn tượng Sơn vì có mục tiêu rõ ràng, môn nào thích sẽ tự giác học tập và đạt kết quả cao, ví dụ như tiếng Anh. Năm lớp 12, để chuẩn bị hồ sơ du học, Sơn thi được 8.5 IELTS.

Boeing-Hackathon-1-2178-1721807283.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Bef4j_9bpnErsXEy-iG5Vg

Nhóm của Hải Sơn đạt giải Á quân, cuộc thi Boeing Hackathon 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài tiếng Anh, Sơn sớm yêu thích công nghệ. Năm 9 tuổi, Sơn ấn tượng khi được mày mò chiếc điện thoại của bố. Từ đó, công nghệ trở thành một phần cuộc sống của Hải Sơn. Những lúc nhân viên nhà mạng đến sửa wifi, nam sinh vừa quan sát, vừa đặt câu hỏi về cơ chế hoạt động của cục phát mạng.

Năm lớp 5, sau khi thi học sinh giỏi tiếng Anh trên mạng và đạt giải, Sơn được bố thưởng một chiếc máy tính bảng. Hào hứng khi sở hữu món đồ công nghệ đầu tiên, nam sinh dành nhiều giờ học và chơi trên thiết bị này.

Vào đại học, trong một lần nói chuyện với người hướng dẫn, Sơn được khuyến khích tham gia cuộc thi của Apple. Trong hồ sơ, ở câu hỏi "Bạn đã dùng kỹ năng lập trình để giúp đỡ cộng đồng như thế nào", Sơn kể về lần thực tập ở công ty sản xuất đèn xe đạp hồi cuối năm 2023. Anh đã dùng ngôn ngữ lập trình Python và API (giao diện chương trình ứng dụng) để lọc và chuyển dữ liệu email khách hàng sang nền tảng sàn thương mại mới.

Đầu tháng 2/2024, ngay sau khi nộp bài cuối kỳ, nam sinh lên ý tưởng, thiết kế và lập trình ứng dụng.

"Hôm nào mình cũng miệt mài từ 8 giờ sáng đến đêm, có lúc quên ăn để kịp nộp sản phẩm sau ba tuần", Sơn kể. Lúc căng thẳng, Sơn dựa vào tính năng theo dõi hơi thở của đồng hồ thông minh, hít thở sâu theo hướng dẫn để bình tĩnh làm việc tiếp.

Vì mắc ADHD, Sơn hiểu khó khăn những người bệnh như anh gặp phải, đặc biệt vào buổi sáng, như: dễ mất tập trung, đứng ngồi không yên, đặt ra nhiều kế hoạch nhưng đến cuối chỉ thực hiện được ít... Từ đó, anh nảy ra ý tưởng tạo ra ứng dụng Morning Dew nhằm "lôi kéo" người mắc ADHD tập trung vào công việc trước mắt.

Ứng dụng giúp người dùng lập danh sách công việc và tạo phiên tập trung cho từng đầu việc, với thời gian cụ thể. Ở mỗi phiên, chỉ một đầu việc hiển thị trên màn hình cùng đồng hồ đếm ngược thời gian, kèm theo âm nhạc sôi nổi và những lời động viên như "Great work" (bạn làm tốt lắm), "Keep going" (tiếp tục nào)...

Sơn dùng các công nghệ gồm SwiftUI để vẽ giao diện và tính toán luồng trải nghiệm, Swift Data để quản lý dữ liệu, Combine và Observation để vẽ đường hiển thị thời gian trôi của đồng hồ bấm giờ, và AVFoundation để quản lý âm nhạc. Tất cả code và phiên bản cập nhật của ứng dụng được lưu trữ trên Github, một nền tảng lưu trữ trực tuyến dành cho các nhà lập trình.

"Sản phẩm của bạn thật sự cho thấy sự sáng tạo, đam mê với lập trình và khả năng xây dựng ứng dụng tuyệt vời", trích thư của ban tổ chức gửi cho Sơn sau cuộc thi.

Thời gian tới, Hải Sơn mong muốn hoàn thiện và hướng đến phân phối ứng dụng Morning Dew.

"Mình đã làm tốt, nhưng mình tin và muốn làm tốt hơn nữa", Sơn nói.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022