Hai con trai cụ, Đặng Ngọc Thóc (sinh năm 1936) và Đặng Văn Bằng (sinh năm 1947) đều là liệt sĩ, hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Một người tìm được mộ và đưa về quê an táng năm 2008, người còn lại chưa có thêm thông tin.

Vài năm trước lúc còn minh mẫn, gọi con không được, nhiều lúc tủi thân cụ Ngách lại ngồi khóc. Giờ tuổi cao, lúc nhớ lúc quên nhưng cụ vẫn luôn nhắc chồng (cụ Đặng Văn Tiền, 113 tuổi) rằng "hai thằng nó đang đi B, đợi hòa bình về phải nấu cơm cho chúng".

Con trai út của hai cụ, ông Đặng Xuân Chàng, 74 tuổi, ở xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện kể thêm, thời các anh đi chiến đấu gia đình vẫn đói khổ, chẳng mấy khi được bữa no nên lần nào có đồ ngon, mẹ lại nhớ tới các con mình.

cu-5-5-3003-1724346607.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_mKMxzdcmKc_77XDdW0H2w

Cụ Nguyễn Thị Ngách và chồng là cụ Đặng Văn Tiền nhận ảnh phục chế của hai con liệt sĩ tại gia đình ở xã Hồng Thái, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, tháng 8/2024. Ảnh: Hải Hiền

Anh Thóc và anh Bằng là hai con trai đầu trong 5 người con của cụ Ngách. Anh Thóc từng đi bộ đội và có thời gian phục viên. Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh tình nguyện xin tái ngũ, vào Nam chiến đấu dù đã ngoài 30 tuổi, có hai con và người vợ đang mang thai con gái út. Còn anh Bằng ra trận khi mới 17 tuổi.

Trước khi các con đi B, cụ Ngách động viên: "Đừng lo cho gia đình, cứ yên tâm mà chiến đấu với giặc Mỹ". Ở nhà vợ chồng cụ cùng nhau gánh vác mọi công việc nhà nông từ trồng lúa cho tới chăn nuôi, mong kiếm đủ hai bữa mỗi ngày cho ba đứa con nhỏ dại.

Hai người con trai vào chiến trường là biền biệt không một lá thư. Năm 1968, gia đình nhận giấy báo tử của anh Bằng, hai năm sau thêm tin dữ của anh Thóc. Quá đau đớn, người mẹ suy sụp, không màng ăn uống nên cơ thể suy nhược. Thể chất cụ Ngách vốn gầy gò ốm yếu, thuốc thang không đỡ nên đành bỏ đồng áng, chỉ quanh quẩn làm vài việc vặt trong nhà.

Nhưng cụ Ngách vẫn nuôi một hy vọng các con mình chưa chết, giấy báo tử chỉ là nhầm lẫn. Hòa bình lập lại, cứ nghe tin có bộ đội ở đâu trở về, dù ốm mệt cụ lại lật đật chạy đến hỏi thăm. Trong xã cũng từng có trường hợp báo hy sinh nhưng lại trở về khiến người phụ nữ này càng nuôi hy vọng. Cụ kể, nhiều đêm không ngủ được lại ra ngồi ngoài cửa, ngóng về phía cổng chính, tưởng tượng giây phút "thằng Thóc, thằng Bằng trở về í ới gọi mẹ từ xa".

Mòn mỏi chờ đợi năm này qua năm khác không kết quả, cụ Ngách nuốt nước mắt lập bàn thờ cho hai con. Anh Bằng trước đây còn lưu lại một tấm ảnh, được phóng to làm ảnh thờ. Với anh Thóc, gia đình đành treo tấm bằng Tổ quốc ghi công lên thay thế.

Ngày 25/6/2014, cụ Nguyễn Thị Ngách được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

cu-3-2283-1724346607.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DDYyxDNaIi3oqsQJQU10uw

Ông Đặng Văn Tiền bên bức ảnh "Bữa cơm đoàn viên" được nhóm Skyline phục dựng và gửi tặng tại nhà riêng ở xã Hồng Thái, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, tháng 8/2024. Ảnh: Hải Hiền

Vì không có bất kỳ tấm ảnh nào của con trai cả nên người mẹ mang nỗi đau khôn nguôi. Cụ Ngách thường kể chuyện về anh Thóc cũng như nhắc người nhà những đường nét trên khuôn mặt, sợ nếu một ngày nhắm mắt xuôi tay, không ai còn nhớ gương mặt con trai mình.

Hàng chục năm tưởng chừng không có thêm thông tin về hai con sau lần nhận giấy báo tử, đầu những năm 1990, mộ của liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc được người cùng xã đang công tác tại Lâm Đồng phát hiện khi đi viếng nghĩa trang Đà Lạt. Năm 2008, người này về thăm quê, kể lại việc thấy ngôi mộ ghi tên liệt sĩ Thóc quê quán xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện. Người nhà biết chuyện, tìm cách liên hệ với nghĩa trang xác thực thông tin. Cùng năm, hài cốt của anh Thóc được mang về quê sau gần 40 năm nằm lại chiến trường xưa.

Ngày đưa hài cốt con trai đầu trở về, cụ Ngách một lần nữa khóc cạn nước mắt. Cụ kể, tối hôm trước nằm mơ có một thanh niên mặc quân phục đứng đầu giường, nhưng không nói gì. Lúc tỉnh dậy, cụ đoán đó là anh Thóc về chào mẹ, nhưng hôm sau lại nghĩ có thể là anh Bằng, bởi "chắc nó tủi thân vì không được về quê như anh".

"Trận chiến năm đó của anh Bằng ở Bình Phước được đồng đội kể lại vô cùng ác liệt. Bom đạn ném xuống như mưa, máu xương da thịt có thể đã hòa chung vào với đất", người em Xuân Chàng kể về trận chiến khiến anh trai hy sinh, năm 1968.

Không tìm được mộ anh Bằng nhưng còn có tấm ảnh cũ để người mẹ ngắm nhìn mỗi ngày. Anh Thóc dù đã về với quê hương nhưng không còn lưu lại hình ảnh khiến cụ Ngách đau đáu nỗi đau. Các con của liệt sĩ cũng từng tìm gặp nhiều đồng đội cũ của cha, nhưng không ai còn lưu giữ bất kỳ tấm hình nào.

Tháng 7/2024, trong chương trình tri ân "Hải Dương ngày trở về", liệt sĩ Đặng Văn Bằng được tỉnh Đoàn phối hợp với nhóm thiện nguyện Skyline phục dựng lại ảnh và trao tặng gia đình. Trong lần về thăm cụ Ngách, chứng kiến người mẹ vẫn ngày ngày gọi hai con đã hy sinh về ăn cơm, trưởng nhóm Phùng Quang Trung quyết định "vẽ" lại chân dung liệt sĩ Thóc từ trí nhớ của cha mẹ, vợ và anh em trong nhà.

Giờ ở tuổi hơn 100, cụ Ngách cùng chồng đã vào tình trạng lúc nhớ lúc quên. Mỗi khi tỉnh táo, cụ bà lại vanh vách kể về khuôn mặt con trai cả: "Cái trán nó giống bố nhất này", hay "Đôi mắt là của mẹ, miệng cười giống cả hai". Người vợ liệt sĩ Thóc năm nay đã 82 tuổi, cũng không còn minh mẫn nên các con phải kiên trì ngồi bên nói chuyện nhằm chắt lọc, ghi chép lại thông tin, gửi tới nhóm phục chế với mong muốn phục dựng khuôn mặt người thân giống nhất có thể.

Đội phục chế đã mất nhiều ngày để xử lý ảnh chân dung liệt sỹ Thóc do việc dựng ảnh mới phải sửa từng chi tiết theo trí nhớ người nhà nên tốn nhiều công sức. Để có được bức chân dung hoàn chỉnh nhất, Trung cũng như các thành viên trong đội phải liên tục trao đổi và chỉnh sửa, nhiều hôm tới tận đêm khuya.

cu-6-8871-1724346607.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XBc_rWO79FMQbY20uh9LAw

Cụ Đặng Văn Tiền được con cháu dìu tới bên giường xem bức ảnh đoàn viên cùng hai con liệt sĩ. Ảnh: Hải Hiền

Giữa tháng 8/2024, bức chân dung của liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc đã phục chế thành công và gửi tới gia đình. Cả tuần trước đó, vì trời nắng nóng nên vợ chồng cụ Ngách đều ốm. Không còn sức lực kể lại ký ức về các con, cầm ảnh trên tay người mẹ chỉ im lặng không cất nổi lời vì quá xúc động. Chỉ có cụ Tiền thi thoảng nhìn vào hai tấm ảnh rồi quay sang mếu máo hỏi con trai út: "Đây là thằng Bằng, kia là thằng Thóc à?".

Ước mơ cuối đời của cụ Ngách là mong các con trở về, cùng bố mẹ ngồi chung mâm cơm đoàn viên. Hiểu được tâm tư, nhóm phục chế đã tặng thêm bức ảnh bữa cơm với sự trở về của liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc và Đặng Văn Bằng ngồi bên cha mẹ được tái hiện rõ nét và chân thực. Tấm ảnh này sau đó được cụ Tiền yêu cầu treo ngay chỗ giường nằm để ngắm nhìn mỗi ngày.

Giờ ngày nào hai cụ già, người 109 tuổi, người 113 tuổi cũng ngồi ngước nhìn bức ảnh đoàn viên phía trước mặt mình. Những lúc minh mẫn, cụ ông và cụ bà lại nhắc nhau về kỷ niệm ngày xưa, khi gia đình còn đầy đủ các con, được sum vầy bên mâm cơm mỗi tối.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022