Dai-Tay-Duong-5559-1724926940.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MXWK1L6z9py9wjXHkCPPoA

Vùng biển Đại Tây Dương gần Bahamas, chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) tháng 7/2024. Ảnh: NASA/JSC

Nhiệt độ mặt biển ở vùng gần xích đạo phía đông Đại Tây Dương năm nay ấm nhất vào tháng 2 và tháng 3, đạt hơn 30 độ C. Đây là những tháng ấm nhất từng ghi nhận kể từ năm 1982. Đến tháng 6, nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh một cách bí ẩn và lạnh nhất vào cuối tháng 7, xuống mức 25 độ C. Dù vùng lạnh này đang ấm trở lại mức bình thường, các nhà khoa học vẫn bối rối về nguyên nhân gây ra sự giảm nhiệt đột ngột, Live Science hôm 28/8 đưa tin.

Vùng gần xích đạo phía đông Đại Tây Dương thay đổi giữa các pha lạnh và ấm cứ sau vài năm, nhưng tốc độ giảm từ mức cao kỷ lục xuống mức thấp lần này thực sự chưa từng có tiền lệ, theo Franz Tuchen, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Miami.

Dự báo từng cho thấy sự kiện giảm nhiệt này có thể phát triển thành Nina Đại Tây Dương, một kiểu khí hậu khu vực có xu hướng làm tăng mưa ở Tây Phi, giảm mưa ở Đông Bắc Brazil và các nước xung quanh Vịnh Guinea như Ghana, Nigeria, Cameroon. Hiện tượng này không mạnh bằng hiện tượng La Nina tương tự ở Thái Bình Dương và chưa xảy ra kể từ năm 2013.

Các nhà khoa học sẽ công bố Nina Đại Tây Dương xuất hiện nếu nhiệt độ lạnh hơn mức trung bình duy trì trong ba tháng, đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, vùng nước lạnh này đã ấm lên trong những tuần gần đây nên gần như chắc chắn rằng nó sẽ không được phân loại là Nina Đại Tây Dương, Tuchen cho biết.

Việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự giảm nhiệt đột ngột này sẽ cho phép giới khoa học hiểu rõ hơn về những điểm kỳ lạ của khí hậu Trái Đất, giúp dự báo thời tiết chính xác hơn. Nước bề mặt lạnh hơn thường đi kèm với gió mậu dịch mạnh hơn. Gió mậu dịch thổi gần xích đạo và là yếu tố có ảnh hưởng nhất tới Nina vì cuốn đi nước bề mặt ấm và khiến nước sâu hơn, lạnh hơn dâng lên. Tuy nhiên, vùng lạnh hè năm nay lại đi kèm với gió yếu hơn ở phía đông nam xích đạo.

Michael McPhaden, nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, một số cơn gió mạnh bất thường phát triển ở phía tây vùng lạnh vào tháng 5 có thể đã thúc đẩy quá trình giảm nhiệt nhanh kỷ lục, nhưng những cơn gió này không tăng mạnh bằng mức nhiệt đã giảm. "Có điều gì đó khác đang diễn ra", McPhaden nhận định.

Dù chưa từng có tiền lệ, hiện tượng giảm nhiệt ở vùng gần xích đạo phía đông Đại Tây Dương ít có khả năng xảy ra do biến đổi khí hậu từ hoạt động của con người. "Tôi không thể loại trừ điều đó. Nhưng thoạt nhìn, đây chỉ là sự biến động tự nhiên của hệ thống khí hậu ở khu vực Đại Tây Dương gần xích đạo", McPhaden nói.

Sử dụng dữ liệu từ vệ tinh, phao và thiết bị khí tượng khác, các nhà khoa học khí hậu đang theo dõi chặt chẽ vùng lạnh này và bất cứ ảnh hưởng nào nó có thể gây ra cho những lục địa xung quanh. Điều này có thể mất nhiều tháng mới bộc lộ rõ. "Chúng ta chỉ cần quan sát và xem điều gì sẽ xảy ra", McPhaden nói.

Thu Thảo (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022