su-thay-doi-cua-trai-dat-trong-18-ty-nam-qua-1725968665.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tZeB51bbxa_keeZS0o2FVw
Sự thay đổi của Trái Đất trong 1,8 tỷ năm qua

Các mảng kiến tạo trên Trái Đất trong 1,8 tỷ năm qua. Video: Tectonics and Earth Systems Group

Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Xianzhi Cao tại Đại học Hải dương Trung Quốc sử dụng thông tin trong các tảng đá trên bề mặt Trái Đất để tái tạo sự thay đổi của mảng kiến tạo trong 1,8 tỷ năm qua, Science Alert hôm 9/9 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Geoscience Frontiers. Đây là lần đầu tiên hồ sơ địa chất được sử dụng theo cách này, giúp nhìn lại quá khứ xa đến 1,8 tỷ năm trong 4,6 tỷ năm tuổi thọ của Trái Đất.

Video của nhóm nghiên cứu mở đầu bằng bản đồ thế giới quen thuộc ngày nay, sau đó quay ngược về quá khứ. Ấn Độ nhanh chóng di chuyển về phía nam, tiếp theo là các phần của Đông Nam Á, tạo nên siêu lục địa Gondwana ở Nam Bán cầu.

Khoảng 200 triệu năm trước (triệu năm ký hiệu là Ma trong video), khi khủng long còn tồn tại, Gondwana nối liền với Bắc Mỹ, châu Âu và Bắc Á để tạo nên siêu lục địa lớn Pangaea. Video tiếp tục quay ngược thời gian, trở về lúc Pangaea hình thành từ các vụ va chạm mảng kiến tạo cổ xưa hơn. Tiếp theo, siêu lục địa Rodinia xuất hiện. Rodinia lại hình thành do sự chia tách của một siêu lục địa thậm chí còn cổ xưa hơn, Nuna, cách đây khoảng 1,35 tỷ năm.

Lập bản đồ mảng kiến tạo trong quá khứ là giai đoạn đầu tiên để xây dựng mô hình kỹ thuật số hoàn chỉnh về Trái Đất xuyên suốt lịch sử. Mô hình này sẽ cho phép giới khoa học kiểm tra các giả thuyết về quá khứ của hành tinh. Ví dụ, tại sao khí hậu lại trải qua thời kỳ "Quả cầu tuyết Trái Đất", hoặc tại sao oxy lại tích tụ trong khí quyển.

Việc mô hình hóa quá khứ của Trái Đất rất cần thiết nếu muốn hiểu cách chất dinh dưỡng xuất hiện để thúc đẩy quá trình tiến hóa. Bằng chứng đầu tiên về tế bào phức tạp có nhân - giống như tất cả các tế bào động vật và thực vật - là từ 1,65 tỷ năm trước. Thời điểm này gần với lúc siêu lục địa Nuna hình thành. Nhóm nghiên cứu muốn kiểm tra xem những ngọn núi phát triển vào thời điểm Nuna xuất hiện có thể cung cấp các yếu tố thúc đẩy quá trình tiến hóa tế bào phức tạp hay không.

Nhiều kim loại hình thành trong gốc núi lửa dọc theo rìa mảng kiến tạo. Bằng cách tái tạo vị trí các ranh giới mảng kiến tạo cổ đại qua thời gian, giới chuyên gia có thể hiểu rõ hơn về địa lý kiến tạo của thế giới và giúp các nhà thám hiểm khoáng sản tìm thấy những khối đá giàu kim loại cổ đang bị chôn vùi dưới những ngọn núi trẻ hơn.

Thu Thảo (Theo Science Alert)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022