Hơn 300 căn hộ tại 4 block chung cư 29 tầng ở phường 16, quận 8, bị nứt tường, nền gạch bong tróc sau khi xảy ra rung chấn do ảnh hưởng động đất hơn 7 độ ở Myanmar hôm 28/3. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn học, Viện các khoa học Trái Đất Việt Nam, cho biết "động đất 7,7 độ là ở mức phá hủy".
Ông cho biết dù động đất ở Myanmar cách xa nhưng sóng địa chấn có thể lan truyền xa theo không gian, gây ra dao động có biên độ đủ lớn làm nhà cửa lung lay, nhất là các tòa nhà cao tầng. Đây là lý do nhiều người dân đang làm việc trong các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TP HCM đều cảm nhận rõ rung chấn. Các sóng địa chấn lan truyền mạnh có thể gây hư hại công trình xây dựng do biên độ lớn và kéo dài đến các khu vực xa tâm chấn.
Theo TS Tăng Văn Lâm, Khoa xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tòa nhà trên 10 tầng thường bị ảnh hưởng của động đất hơn do có tần số dao động thấp, dễ trùng với tần số của sóng bề mặt các trận động đất mạnh và nông.
Một nguyên nhân nữa, nền móng là các tầng địa chất đất mềm yếu và khuếch đại rung động từ tâm Trái Đất. TP HCM có nền đất mềm yếu, chủ yếu là đất bồi đắp từ sông Sài Gòn, còn Hà Nội là vùng đất yếu, bồi đắp từ sông Hồng. Các tầng địa chất mềm yếu, dễ bị khuếch đại sóng địa chấn. "Khi sóng địa chấn đi qua nó có thể tăng biên độ dao động làm tăng khả năng phá hủy, gây nứt vỡ các tòa nhà cao tầng ở các khu vực này", ông Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, trong các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu công trình xây dựng, đặc biệt nhà cao tầng ở Việt Nam đều có hướng dẫn chống động đất. Tuy nhiên, do Việt Nam ít xảy ra các trận động đất lớn nên một số tòa nhà cao tầng không được tính toán thiết kế chống động đất. Nhiều công trình cũng chưa tính toán chịu tác động rung lắc từ các trận động đất xa, đặc biệt là phần kết cấu nền móng công trình cao tầng. Mặt khác, chất lượng thi công không đảm bảo, việc bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép trong nhà cao tầng nên các vết nứt nhỏ có sẵn trong quá trình thi công có thể lớn hơn khi chịu rung lắc của sóng địa chấn do động đất.

Vết nứt dài trên tường trong nhà anh Kim Nam tại căn hộ tầng 15 chung cư Diamond Riverside, phường 16, xuất hiện sau dư chấn động đất hôm 28/3. Ảnh: Hạ Giang
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, Việt Nam nằm ở vị trí nội mảng, song các đứt gãy rất nhỏ so với vành đai lửa nên không xảy ra động đất hủy diệt. Tuy nhiên Việt Nam vẫn có khả năng xảy ra những trận động đất mạnh do hệ thống đứt gãy ở khắp nơi kéo dài hàng chục đến hàng trăm km nên vẫn phát sinh động đất.
Khu vực có động đất mạnh nhất ở vùng Tây Bắc. Các đới đứt gãy sâu hoạt động mạnh gồm có đứt gãy Điện Biên - Lai Châu, Tuần Giáo - Sơn La, nguồn phát sinh động đất rất mạnh. Cho đến nay, hai trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong lãnh thổ Việt Nam tại Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) năm 1983 và Điện Biên năm 1985 với cường độ lần lượt 6,8 và 6,7 độ. "Trận động đất năm 1983, Hà Nội cũng bị ảnh hưởng lan truyền chấn động nhỏ dẫn tới nứt tường", ông Phương cho biết.
TS Tăng Văn Lâm khuyến cáo, khu vực Tây Bắc khi xây dựng tòa nhà cao tầng cần thiết kế kết cấu chịu lực chống động đất. Bên cạnh đó, sử dụng vật liệu đàn hồi tốt và thiết kế hệ thống giảm chấn giúp hấp thụ và khử rung động từ các sóng địa chấn. Cần sử dụng thép có giới hạn chảy cao và đảm bảo tính đàn hồi khi chịu rung chấn. "Cần hạn chế chiều cao công trình và tránh những hình dáng phức tạp. Không nên thiết kế công trình có dạng hình chữ "L", "T" dễ bị xoắn khi chịu rung động. Nên sử dụng công trình có hình dạng đối xứng", ông nói.
TS Lâm cũng đề xuất tăng cường thiết kế kết cấu kháng chấn và chịu động đất cho các công trình, cả các khu vực ít có nguy cơ động đất ở Việt Nam. Ví dụ với TP Hà Nội cần thực hiện quá trình khảo sát địa chất kỹ lưỡng trước khi xây dựng, nếu nền đất yếu cần xử lý móng bằng cọc khoan nhồi sâu kết hợp với móng bè. Có thể sử dụng công nghệ kháng chấn phù hợp như sử dụng kết cấu chịu lực có độ linh hoạt tốt, giằng thép, kết cấu bê tông cốt cứng, bê tông cốt sợi.
Như Quỳnh