VNE-Cross-1743482096-5164-1743482129.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LbpymyhqCSp0FJmid3BCNQ

Công nhân đổ đất làm nền móng cho cầu vượt Wallis Annenberg. Ảnh: Yahoo

Một dự án chủ chốt về bảo tồn động vật hoang dã trải qua cột mốc quan trọng hôm 31/3 khi đội xây dựng khởi công giai đoạn đầu tiên là đổ đất cho cầu vượt Wallis Annenberg dài 64 m và rộng 53 m, công trình đột phá nhằm giúp động vật ở địa phương đi qua cao tốc 101 ở thành phố Agoura Hills, bang California, an toàn. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cầu vượt lớn nhất thế giới dành cho động vật hoang dã.

Trong suốt buổi sáng, công nhân đổ đất cho công trình phục vụ nhiều loài khác nhau, bao gồm sư tử núi, hươu và linh miêu. Công trình tham vọng này sẽ vắt qua 10 làn của cao tốc bên dưới, đòi hỏi khoảng 1.560 tấn đất. Quá trình trải nền dự kiến sẽ hoàn thành sau vài tuần. Theo lịch trình, dự án sẽ khánh thành vào năm 2026. Cây cầu sẽ đóng vai trò như mô hình cho nỗ lực bảo tồn động vật tại đô thị trên khắp thế giới, theo Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia Mỹ (NWF).

Công đoạn đổ đất được lên kế hoạch đầy đủ với sự cộng tác của nhiều chuyên gia, bao gồm các nhà khoa học đất, nhà sinh vật học, kỹ sư và nhà nghiên cứu nấm. Họ đã lựa chọn tỉ mỉ loại đất thích hợp và nấm có lợi để tạo ra môi trường tối ưu cho hệ động thực vật. Tiếp sau giai đoạn đầu, quá trình trồng khoảng 5.000 thực vật bản xứ sẽ bắt đầu trong tháng 5. Những loài cây này sẽ góp phần tạo ra môi trường sống cần thiết cho sư tử núi, hươu, dơi, thỏ đuôi bông sa mạc, linh miêu, chim bản xứ và bướm vua. Theo NWF, danh sách cây trồng chủ yếu là loài cây bụi thơm ven biển bản xứ ở dãy núi Santa Monica.

Trong 3 năm, vườn ươm cây bản xứ gắn liền với dự án cầu vượt đã thu thập hơn 1,1 triệu hạt giống từ hơn 50 loài riêng biệt ở dãy núi Santa Monica. Chương trình thu thập hạt giống này đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo vùng sát cầu được bao phủ bởi cây cỏ phù hợp khi cầu đi vào hoạt động.

Kế hoạch xây cầu vượt cũng bao gồm lắp đặt hệ thống tưới tiêu và phun nước tự động nhằm hỗ trợ cây cối trong nhiều điều kiện thời tiết. Khi cầu vượt Wallis Annenberg thành hình, đây sẽ là minh chứng cho nỗ lực hợp tác để thúc đẩy chung sống hòa bình giữa môi trường đô thị và động vật hoang dã, đồng thời giải quyết những thách thức sinh thái.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022